Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng thuế xăng dầu dân làm sao ‘thoát’?

Thuế xăng dầu rục rịch tăng, dù nghe hứa hẹn giá cả không biến động nhưng người dân vẫn lo nơm nớp vì “làm sao mà thoát được”. 

Theo lộ trình, khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đánh lên xăng dầu sẽ tăng dần đến 8.000 đồng/lít. Chủ trương này nhận được sự đồng tình của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhưng lại vấp phải sự phản ứng của các chuyên gia kinh tế, đặc biệt là sự phản đối gay gắt từ người dân.

100% ý kiến bạn đọc gửi về cho Pháp Luật TP.HCM sau bài viết “Tăng thuế xăng, dân có trách nhiệm đóng” (đăng ngày 17-5) đều cho rằng đây là kiểu đánh thẳng vào túi tiền người tiêu dùng.

Thuế tăng đương nhiên giá tăng

Cách đây hai năm, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu. Thời điểm đó, các nhà quản lý cũng hứa giá không biến động do giảm thuế nhập khẩu. Thực tế “giá xăng luôn tăng đều, tăng mạnh chứ chưa bao giờ giảm” - độc giả Việt Hùng nói. Rõ ràng “ngược đời là người dân cứ tự bỏ tiền nộp cho các công ty xăng dầu trước, sau đó cân đối tăng giảm. Tăng thuế cũng tiền dân đóng, giảm cũng không bỏ bớt khoản này ra” - bạn Nguyễn Minh Dũng bức xúc.

Từ phân tích trên, số đông bạn đọc đều nhận định dù thuế nhập khẩu có về 0% thì giá xăng vẫn chỉ có tăng thêm. 8.000 đồng nghe tưởng ít nhưng cộng dồn lại rất to.

Không chỉ ảnh hưởng đời sống, việc tăng giá không ngừng sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, bạn đọc Vu tiên lượng: “Hô hào mở cửa cho doanh nghiệp (DN) nhưng cứ tăng thế này chẳng mấy chốc DN cũng chết thôi vì không thể cạnh tranh được với các DN sản xuất ở nước ngoài”.

Không ít ý kiến cho rằng đây là quyết sách vô cảm bởi “không nhìn vào cuộc sống người dân Việt đang ở mức nào so với khu vực và thế giới”…

Biểu đồ thu chi thuế bảo vệ môi trường qua các năm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính. Đồ họa: HỒ TRANG

Thu thuế không phải là cách để phát triển

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), dẫn chứng tại cuộc hội thảo “Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế” tổ chức ngày 16-5 ở Hà Nội rằng chỉ cần tăng thuế BVMT 1.000 đồng/lít sẽ giúp ngân sách có thêm hàng chục ngàn tỉ đồng. Tăng thuế rõ ràng là cách nhanh gọn nhất để ngân sách có thêm tiền, song lại lấy đi của người dân, DN số tiền quá lớn một cách thường xuyên.

“Quản lý kiểu đó thì ai cũng làm được, cần phải có giải pháp gì làm cho nền kinh tế khá hơn” là nhận xét thẳng thắn của bạn đọc Huỳnh Đăng Sum. Đồng tình, độc giả lấy tên Nông Dân tỏ vẻ không vui: “Đất nước, kinh tế phát triển là các loại thuế phí ngày càng giảm, công trình phúc lợi nhiều lên, đồng tiền có giá, khi đó không cần tăng lương thì cuộc sống vẫn tốt đẹp hơn…”.

Bạn Vũ Văn An cảnh báo: “Giá xăng dầu tăng mọi mặt hàng sẽ tăng theo, kéo theo lạm phát, hàng hóa không có tính cạnh tranh, không xuất khẩu được là chết”. “Xăng dầu có mặt ở mọi khâu, hàng hóa nước ta vốn đã không có nhiều điểm cộng càng thêm nhiều điểm trừ, thử hỏi còn làm ăn được với ai” - độc giả Hoàng Thanh Bình bức xúc.

Theo phân tích của bạn Tá Luân, “thế giới chú trọng tới sản xuất đi kèm với lợi ích môi trường, ví dụ đặt ra các tiêu chuẩn về khí thải, tiêu hao nhiên liệu… chứ không theo kiểu tăng thu thuế BVMT như ở ta”. Theo bạn, đó mới là một biểu hiện của kiểu làm chính sách hướng tới phát triển bền vững.

Khi thuế nhập khẩu về 0% mà giá xăng dầu lại tăng thì thật ngược đời. Lẽ thường ưu thế của thời kỳ hội nhập là luôn mang đến lợi ích lớn, lợi ích chung từ sức mạnh cạnh tranh và hợp tác. Đó là điều các nhà quản lý kinh tế cần phải suy nghĩ lại.

Nguồn tin: Plo.vn

ĐỌC THÊM