Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng thuế vào xăng: Lý do chưa thuyết phục

Bộ Tài chính đã chọn sai thời điểm, sai lý do để tăng thuế môi trường áp vào giá xăng, dầu.  

GS.TS Đặng Đình Đào- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học KTQD Hà Nội) nhận định, Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế môi trường áp vào giá xăng, dầu vào thời điểm rất không hợp lý với lý do cũng rất không phù hợp.

Thất thu thuế, sao Bộ Tài chính cứ chọn cách dễ làm: Thu thuế từ dân?

Trước hết, khoản thuế môi trường tất yếu phải thu và có thể tăng nhưng cần có lộ trình và phải lựa chọn được thời điểm phù hợp. Lần này, Bộ Tài chính đã chọn sai thời điểm.

Nền kinh tế Việt Nam vừa kết thúc năm 2017 khởi sắc, bước vào năm 2018, Bộ Tài chính đã có kiến nghị muốn đánh thuế vào mặt hàng quan trọng là đầu vào của nền kinh tế.

Thứ hai, Bộ Tài chính nêu lý do thực hiện theo các cam kết Hiệp định thương mại, giảm thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp thì lại tìm cách tăng thu thuế nội địa, tăng mọi loại thuế trong nước vốn đã phải chịu quá nhiều thuế, phí.

"Doanh nghiệp hiện nay đang phải chịu quá nhiều vật cản. Cải cách được hành chính thì giờ lại tăng thuế xăng, dầu. Vòng xoáy thuế đang kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong thời kỳ cần phải đẩy mạnh năng lực doanh nghiệp nói chung thì động thái tăng thuế này là chưa phù hợp. Chưa kể, việc thất thu thuế từ thực hiện cam kết quốc tế lại bù đắp bằng khoản tiền thuế từ người dân cũng lại là cách làm chưa phù hợp" - vị chuyên gia nói.

Thứ hai là câu chuyện xung quanh xăng sinh học E5. Khi đề xuất đưa xăng E5 vào thị trường, xăng này được khuyến khích bởi giá rẻ, bảo vệ môi trường nhưng sau một thời gian ngắn đã tăng giá vì áp thuế, bây giờ lại còn có ý định tăng thêm.

Chưa kể, khoản tiền thu thuế môi trường cần phải thực hiện minh bạch, giám sát chặt chẽ và báo cáo rõ ràng, công khai. Lâu nay đây vẫn là khoản thuế đặt nhiều dấu hỏi.

Theo GS.TS. Đặng Đình Đào, Bộ Tài chính cho rằng giá xăng của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước nhưng không đề cập đến mức thu nhập của lao động Việt Nam còn quá rẻ mạt so với các nước khác, không đề cập tới việc vì sao người dân nước khác mua một chiếc ô- tô lại "dễ như lông hồng" còn ở Việt Nam lại khó khăn đến vậy...

"Bộ Tài chính nói lý do như thế là không thuyết phục. Rõ ràng so sánh khập khiễng như vậy chỉ để bao biện cho lý do tăng thuế thôi" - ông Đào nhấn mạnh.

Đáng lẽ ra, các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải tự siết chặt chi phí, tối ưu hóa, tìm cách để tìm lợi nhuận, giảm giá để cạnh tranh. Ngành xăng dầu trong nước đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, chắc chắn không thể đảm bảo được cạnh tranh trong doanh nghiệp.

Thu thuế bao nhiêu nhưng không chi hợp lý thì cũng không đủ

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trước hết cần phải thông cảm với Bộ Tài chính bởi là cơ quan nắm giữ ngân khố quốc gia luôn luôn bội chi thì họ phải tìm cách thu. Tuy nhiên, lý do mà Bộ Tài chính đưa ra lần này là không thuyết phục.

Cách thu dễ nhất hiện nay của Bộ Tài chính, được đưa ra đầu tiên là tăng thuế. Dù đơn giản nhưng Bộ Tài chính lại bỏ qua mất các tác động mạnh mẽ của việc áp thuế môi trường lên giá xăng, dầu vốn là mặt hàng thiết yếu, tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, sản xuất, tiêu dùng, quốc phòng, an ninh...

Nếu lấy lí do thiếu hụt nguồn thu từ việc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho doanh nghiệp do tuân thủ cam kết thương mại quốc tế để tăng thêm thuế môi trường thì không hợp lý.

"Trên một lít xăng, dầu hiện nay đã cõng rất nhiều loại thuế, phí rồi. Không thể tiếp tục tận thuế từ nó được nữa. Trước khi đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường tức là lên 4.000 đồng/lít như kiến nghị, Bộ Tài chính còn định tăng mức thuế lên 8.000 đồng/lít nhưng bị bác bỏ" - ông Long nhận xét.

Theo vị chuyên gia, "Bộ Tài chính nên mở rộng đối tượng chịu thuế để bù đắp vào khoản thiếu hụt thay vì luôn chọn lựa cách dễ làm dù không có lợi cho xã hội".

Cùng với đó, cần cải cách việc thu ngân sách cùng với tái cơ cấu việc chi, quản lý giám sát minh bạch nguồn thu thuế môi trường.

"Nếu thu ngân sách tăng lên 10 lần nhưng chi tiêu lãng phí, rút ruột ngân sách thì không biết khi nào là đủ. Nếu thất thu thuế, có thể hướng đến các loại thuế mới như thuế tài sản mà nước ngoài đang có. Nếu muốn tăng trách nhiệm môi trường thì tăng thuế môi trường vào các mặt hàng khác" - PGS.TS. Ngô Trí Long nói.

Bên cạnh đó, khi đưa ra lý do giá xăng, dầu ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước có chung đường biên giới và cùng khu vực ASEAN thì đây lại là cách so sánh không đúng và khập khiễng.

Bởi theo ông Long, giá xăng ở Malaysia là thấp hơn Việt Nam. "Không thể mang giá xăng ở Mỹ so với Việt Nam bởi mức thu nhập của họ khác, chi phí tiêu dùng cũng khác" - ông Long nêu vấn đề.

Ngoài ra, trong khi Nhà nước đang khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5 - một loại xăng được giới thiệu là bảo vệ môi trường, thì Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế môi trường kịch trần loại xăng này bằng với các loại xăng hiện tại như RON 92, RON 95 thì quả là mâu thuẫn.

"Hiện kiến nghị của Bộ Tài chính sắp trình lên Ban thường vụ Quốc hội. Theo tôi, cần cân nhắc thật kỹ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã có chỉ đạo trước mắt chưa được tăng giá, phí.

Cần hiểu là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế Việt Nam còn quá thấp mà chi phí đầu vào lại tăng lên thì rất không nên" - PGS.TS. Ngô Trí Long kết luận.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM