Theo lãnh đạo Bộ Tài chính thì việc tăng khung thuế môi trường với xăng là nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết.
Ảnh minh họa
Liên quan tới kiến nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít, tại cuộc họp báo diễn ra chiều qua (26.5), ông Nguyễn Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là để ứng phó kịp thời với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; đồng thời, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết, việc tăng khung thuế (tăng thuế môi trường với xăng) là để đảm bảo lợi ích quốc gia.
Mặt khác, theo lý giải của Bộ Tài chính, giá xăng dầu tại Việt Nam đang thấp 136 nước, trong đó bao gồm các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN như: thấp hơn Lào là 4.766 đồng/lít, Philippines là 4.246 đồng/lít, Singapore là 17.270 đồng/lít, Hồng Kông là 27.038 đồng/lít.
"Việc tăng khung thuế để bảo đảm lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; đồng thời nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường", ông Thi nói thêm.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, khung thuế là do Quốc hội quyết định và sẽ có lộ trình thực hiện trong thời gian dài, mức thuế cụ thể từng thời kỳ sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, dựa trên tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
"Nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay thì nhanh nhất đến năm 2018 Luật này mới có hiệu lực nên không tác động đến giá xăng dầu ngay trong năm nay", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 10.3, Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Theo lộ trình được Bộ Tài chính đưa ra, tháng 9/2017 dự án luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 10.2017 trình Quốc hội xem xét thông qua ngay trong một kỳ họp.
Đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ngay từ khi công bố đã gây xôn xao dư luận.
Tại một toạ đàm diễn ra mới đây, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam cho rằng: "Thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Theo tôi với những sản phẩm đầu vào thì phải có tư tưởng bao đồng hơn, không thể chỉ tính vòng 1 chặn luôn mà phải tính làm sao thu bền vững. Nghĩa là, đầu vào thì “ăn" ít thôi để vòng 2 sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững. Như vậy, tới vòng 3 ta mới thu bền vững.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường không chỉ đi ngược với các giải pháp kích cầu mà còn tạo ra sự bất bình đẳng cho nhóm thu nhập trung bình thấp và làm giảm sức tiêu thụ hàng nội địa.
"Tăng trưởng bán lẻ giảm cho thấy sức tiêu dùng giảm, thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân chậm cải thiện. Nếu tăng thuế, chất lượng cuộc sống của người dân nói chung còn giảm hơn nữa. Người tiêu dùng đã phải đóng 2 khoản thuế lớn là thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, cả 2 khoản thuế này đều đã tăng mạnh. Thay vì giảm thuế để giúp cải thiện cuộc sống, đặt thêm gánh nặng thuế bảo vệ môi trường là điều không hợp lý", ông Linh lý giải.
Nguồn tin: Motthegioi.vn