Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: Còn nhiều băn khoăn!

Ngoài mức thuế bảo vệ môi trường được cho là cao, dư luận cũng đang đặt nhiều câu hỏi về việc sử dụng nguồn thu từ thuế này.

Đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức tối thiểu 3.000 đồng và mức tối đa là 8.000 đồng/lít thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi nếu được thông qua, giá xăng tới đây có thể sẽ tăng mạnh, khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, tác động đến nền kinh tế và mục tiêu kiềm chế lạm phát. 

Tăng thuế môi trường xăng dầu (Ảnh minh họa: KT)

Khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng hiện đang được quy định ở mức tối thiểu 1.000 đồng và tối đa 4.000 đồng/lít. Năm 2015, mức thuế này được điều chỉnh tăng từ mức 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, gần sát mức trần cho phép. Nay, khung thuế này lại được đề xuất mức tối thiểu là 3.000 đồng/lít và mức tăng tối đa lên tới 8.000 đồng/lít. Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ khiến giá bán lẻ tăng theo, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội chia sẻ, xăng dầu hiện chiếm khoảng 20% chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Khi tăng thuế thì sẽ tăng giá bán lẻ, làm đội chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Cả nước hiện có hơn 100.000 hộ kinh doanh cá thể, với chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu, rồi tới đây giá điện cũng có thể tăng, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Lý giải vì sao phải điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho rằng, việc làm này là để phù hợp với lộ trình dài, thay thế, bù đắp cho phần thuế nhập khẩu phải cắt giảm dần theo cam kết quốc tế, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Ngoài ra, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã gần sát mức trần trong khung thuế, nên dư địa để điều chỉnh còn lại ít, khó phù hợp với chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ. Về tác động tăng giá xăng, Bộ Tài chính cho rằng, thuế nhập khẩu xăng ở một số thị trường đã giảm xuống còn 10%, đến năm 2024 giảm xuống 0% và đề xuất này không có tác động tiêu cực, không làm tăng giá xăng.

Tuy nhiên, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng, khung thuế suất mà Bộ Tài chính đưa ra là quá cao. Chỉ nên giới hạn mức tối đa của khung thuế này là 5.000 đồng/lít. Vì các loại thuế, phí hiện chiếm khoảng 50% giá thành xăng dầu. Việc nâng khung thuế quá cao, có thể dẫn đến giá xăng dầu tăng mạnh, dễ gây “sốc” cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho biết, thuế nhập khẩu giảm bao nhiêu thì thuế nội địa tăng bấy nhiêu, không nên tăng cao hơn, để tránh tác động làm tăng giá xăng dầu.

Theo ông Thỏa, khung thuế cần được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước và cần có lộ trình tăng dần dần, không tăng quá đột ngột, sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất và các sản phẩm sử dụng xăng dầu.

Ngoài mức thuế bảo vệ môi trường, dư luận cũng đang đặt nhiều câu hỏi về việc sử dụng nguồn thu từ thuế này. Thực tế cho thấy số thu từ thuế này rất lớn, riêng năm 2016, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường lên đến hơn 42.000 tỉ đồng nhưng mới chỉ có 1/4 số thu này được dùng đúng mục đích.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong kiến nghị, cần công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu. Ông Phong cho rằng, cùng với việc tăng thuế môi trường xăng dầu cần có báo cáo giải trình minh bạch liên quan đến dư nợ và hoạt động của quỹ môi trường này, tránh tình trạng thu cái này nhưng dùng vào mục đích khác, gây bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia kinh tế này, tăng thuế cũng cần tính đến áp lực lạm phát gắn với việc tăng giá xăng dầu. Tăng mạnh như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Nguồn tin: Vov

ĐỌC THÊM