Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: Bước đi thận trọng

Chính phủ đã chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Nghị quyết về Biểu thuế Bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, một nội dung được dư luận quan tâm là việc tăng thuế xăng dầu. 

Giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn 122 nước. Ảnh: Hồng Vân.

Khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch

Theo tính toán, với phương án điều chỉnh Biểu thuế BVMT như dự thảo của Chính phủ thì việc điều chỉnh mức thuế BVMT sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%. Tuy nhiên, việc tăng thuế BVMT sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Đồng thời, sẽ góp phần tăng thu NSNN khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT.

Theo dự thảo, mức thuế BVMT với xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; mỡ nhờn từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg; dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít.
Việc đề nghị tăng thuế các loại xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường; góp phần hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường; khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học); đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế NK theo các cam kết quốc tế và giá dầu có biến động khó lường.

Phân tích thêm, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, chúng ta đang thực hiện các FTA và thuế NK đang giảm rất nhanh. Việc tăng thuế khác có thể nói là một trong những nguồn để bù đắp lại nguồn thu từ NK. Tuy nhiên, trên giác độ BVMT có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, chất HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường.

Ông Thi cho biết thêm, không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu và các mặt hàng này để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đơn cử như từ 1/1/2018, Việt Nam không sử dụng xăng A92 nữa mà sử dụng E5. Đó cũng là một cách BVMT.

Mặt khác, giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước trên thế giới đang ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước.

Khi trả lời về vấn đề này trước báo chí cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc điều chỉnh tăng thuế dựa trên cơ sở Nghị quyết số 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có một giải pháp là cơ cấu lại nguồn thu NSNN.

Ngoài ra, Quốc hội cũng có Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, đã đề ra giải pháp cơ cấu lại NSNN là hoàn thiện cơ cấu lại nguồn thu NSNN, phải khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và môi trường.

Hơn nữa, nội dung của dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và kết luận khi trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT. Dự án Luật được lùi lại đến năm 2019 nên trước mắt là trình việc điều chỉnh mức thuế BVMT do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

“Nghị quyết tăng thuế BVMT là phù hợp với chiến lược tăng trưởng và tình hình thực tiễn từng thời kỳ, tình hình ô nhiễm môi trường”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nêu rõ.

Cần sự chia sẻ

Đánh giá sự cần thiết của việc tăng thuế xăng dầu, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Tại chức kiêm giảng viên cao cấp bộ môn Thuế, Học viện Tài chính cho rằng: Xăng dầu là mặt hàng quan trọng thuộc diện Nhà nước quản lý giá do đây là đầu vào quan trọng của lĩnh vực kinh doanh vận tải và một số lĩnh vực sản xuất khác, là nhiên liệu cho phương tiện đi lại của nhân dân. Việc tăng thuế BVMT đối với xăng không chỉ có tác động đến thu NSNN mà còn tác động đến giá cả thị trường và đời sống nhân dân. Vì lẽ đó, mỗi đề xuất tăng hay giảm thuế BVMT đối với xăng dầu đều cần phải cân nhắc rất thận trọng và chắc chắn Bộ Tài chính nắm rất rõ điều này.

Xuất phát từ điều kiện thực tiễn, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu như đề xuất là cần thiết và hợp lý vì ba lý do. Thứ nhất để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong điều kiện thuế NK xăng dầu phải điều chỉnh giảm theo các FTA. Thứ hai, trước khi đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng, thuế NK xăng dầu đã giảm nhiều và Nhà nước đã phải chấp nhận giảm thu ngân sách để hỗ trợ DN và người dân nên đã đến lúc DN và người dân cần chia sẻ với Nhà nước. Thứ ba, để giá xăng dầu của Việt Nam tương đối phù hợp với giá xăng dầu của các nước trong khu vực, giảm áp lực chống buôn lậu xăng dầu của các cơ quan nhà nước. Mức tăng đề xuất như vậy là đảm bảo sự chia sẻ hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Nhìn từ khía cạnh khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nêu: Việc tăng thuế BVMT sẽ tác động ít nhiều đến giá thành mặt hàng xăng dầu. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận dưới góc độ khác. Cùng với việc Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế thì cùng với đó cũng đưa ra yêu cầu giảm thuế NK đối với xăng khoáng và Ethanol. Rõ ràng, sẽ có sự bù trừ để mức tăng giá xăng dầu không trở nên đột biến. Việc tăng giá xăng dầu cũng sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nếu có sử dụng nhiều xăng dầu. DN phải chấp nhận và phải hiểu nhiều năm nay, giá xăng dầu của nước ta thấp hơn hẳn so với các nước trong khu vực là do đây là mặt hàng vẫn đang nhận được sự bảo hộ của nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng ta phải chấp nhận “thả” giá theo xu thế chung của nền kinh tế thị trường, Nhà nước không thể bảo hộ mãi được. DN và người dân cần phải chia sẻ với Nhà nước trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn.

Nguồn tin: baohaiquan.vn

ĐỌC THÊM