Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu: Cân nhắc yếu tố tác động

   Theo dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính vừa hoàn thiện, dự kiến sẽ nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lên mức 3.000-8.000 đồng/lít. Trước thông tin này, nhiều ý kiến lo ngại khi điều chỉnh tăng thuế dẫn tới giá xăng, dầu sẽ tăng theo, tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế... 

Việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đang được dư luận quan tâm. Ảnh: Linh Ngọc

Còn nhiều băn khoăn

Năm 2015, khi nâng mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Một số cho rằng, việc tăng thuế sẽ tác động đến người dân và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tại dự thảo Luật Thuế BVMT vừa hoàn thiện, Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng khung thuế BVMT với xăng, dầu lên mức từ 3.000-8.000 đồng/lít.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế khiến nguồn thu ngân sách sụt giảm. Tuy nhiên, việc tăng khung thuế BVMT với xăng, dầu lúc nào, tăng bao nhiêu cần phải làm rõ. Bộ Tài chính cho rằng, không phải ngay lập tức áp mức thu thuế BVMT 8.000 đồng/lít mà đây chỉ là tăng khung thuế lên mức từ 3.000-8.000 đồng/lít.

Song, cần làm rõ hai vấn đề: Lý giải thu thuế BVMT với xăng dầu để phục vụ cho mục đích môi trường cụ thể ra sao. Bởi hiện nay, mức thu và chi cho môi trường từ khoản tiền này chưa được làm rõ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần tính toán hiệu ứng và tác động của việc điều chỉnh tăng khung thuế BVMT với xăng, dầu. Bởi, khi thuế tăng thì giá xăng, dầu sẽ sớm được điều chỉnh tăng, từ đó khiến lạm phát tăng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thuế là công cụ quan trọng để tăng nguồn thu BVMT, nhưng không phải là công cụ duy nhất. Cùng với thuế, cần xem xét các công cụ khác, nhất là xử phạt thật nặng với hành vi gây tổn hại đến môi trường. Mặt khác, Chính phủ đang chủ trương tái cơ cấu thu chi ngân sách. Song, nếu chỉ tăng thu mà không chú trọng giảm chi hợp lý thì không hẳn đã hiệu quả. Trong khi đó, việc tăng thuế sẽ gây nhiều hệ lụy là giá nguyên liệu đầu vào cao làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khiến họ khó khăn hơn trong kinh doanh và không còn nguồn tiền để đóng thuế.

Cũng theo ông Ngô Trí Long, kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, nguồn thu và chi thuế BVMT cần được công khai, minh bạch. Năm 2016, số thu từ thuế BVMT là hơn 42.000 tỷ đồng, trong khi số chi cho sự nghiệp BVMT chỉ khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Nhưng, cụ thể chi như thế nào, khoản còn lại sẽ để làm gì - lại chưa được công khai.

Tăng thuế không để bù đắp hụt thu

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2017 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ không chỉ đề xuất sửa đổi khung thuế suất BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu mà còn tăng thuế với ni lông... vốn là những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường.

Ông Thi nhấn mạnh, giá xăng, dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước ASEAN. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices ngày 3-4-2017 thì giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam đang ở mức thấp, trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao. Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Việt Nam (theo Petrolimex) - cập nhật đến ngày 6-4-2017 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn Lào 4.806 đồng/lít, thấp hơn Philippines 3.375 đồng/lít, thấp hơn Campuchia 2.826 đồng/lít...

Các nước trên thế giới đã đưa xăng, dầu vào diện thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường với những tên gọi khác nhau như thuế năng lượng, thuế nhiên liệu. Nếu so mức thuế này với nhiều nước thì Việt Nam đang đánh thuế thấp hơn nhiều. Cụ thể, khoản thuế này ở Hàn Quốc là 70,3%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%. Từ những lý do trên, Bộ Tài chính nhận định, việc điều chỉnh thuế BVMT theo hướng tăng là phù hợp với tình hình hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, thuế nhập khẩu xăng, dầu bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng, dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực, do đó điều chỉnh khung thuế BVMT với mặt hàng này để đối phó với diễn biến khó lường thế giới là việc cần làm.

Làm rõ việc khoản chi thuế có đúng mục đích BVMT hay không, liệu có tình trạng thu nhiều chi ít hay không? Ông Phạm Đình Thi cho biết, thuế BVMT thu theo Luật Ngân sách nhà nước và thực hiện chi theo luật. Theo Luật Ngân sách nhà nước, sẽ chi 1% tổng thu ngân sách hằng năm cho sự nghiệp BVMT và đây là phần chi trực tiếp. Phần chi gián tiếp thể hiện tại các khoản chi cho các dự án lớn như xây dựng công trình xử lý nước thải, chi xây dựng các công trình, dự án giao thông, qua đó gián tiếp BVMT.

            Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Thuế BVMT (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, dự kiến luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thảo luận và thông qua tại kỳ họp tháng 10-2017.

Nguồn tin: Hanoimoi
 

ĐỌC THÊM