''Diễn biến giá xăng dầu thế giới liên tục xu hướng tăng, giá xăng dầu trong nước đã có sự điều chỉnh theo cơ chế thị trường, vì vậy liên Bộ Công Thương - Tài Chính phải cầm trịch và kiểm soát được sự tăng giảm thường xuyên của các tập đoàn bán lẻ xăng dầu trong nước. Về lâu dài, cần xóa bỏ độc quyền nhập khẩu xăng dầu để tạo sự canh tranh sự giữa các DN với nhiều mức giá nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng'', chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thông tin tới Kinh tế & Đô thị.
Giá xăng dầu tại Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá xăng dầu tăng 17,01% so với cùng kỳ năm trước, đây là nguyên nhân chính góp phần làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2021. Lạm phát bình quân 6 tháng tăng 0,87% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, ga tăng. Nhiều ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ cũng tăng giá như: Vận tải, sản xuất nhôm, sản phẩm luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy hải sản, xây dựng công trình giao thông…
Trong khi đó, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 20 - 30% chi phí đầu vào, vì vậy một khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh vào giá thành sản suất kinh doanh dịch vụ, từ đó đẩy giá hàng hóa tăng lên. Nguyên nhân tăng giá do chi phí vận chuyển, logictics, chi phí vốn, chi phí tiếp cận đất đai, chi phí nhân công đều tăng.
Xăng dầu là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Ông có thể nói rõ hơn về tác động của giá xăng dầu đến các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân?
- Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xăng dầu nhập khẩu (kể cả dầu thô để chế biến). Chính vì vậy, khi giá xăng dầu thế giới tăng lên thì giá xăng dầu bán lẻ trong nước cũng phải tăng theo, mặc dù chúng ta đã tự lọc hóa dầu để đảm bảo đến 70 - 80% lượng tiêu thụ trong nước. Điều quan trọng là liên Bộ Công Thương - Tài Chính phải cầm trịch và kiểm soát được sự tăng giảm thường xuyên này của các tập đoàn bán lẻ xăng dầu trong cả nước.
Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo nguy cơ đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng. Ảnh minh họa |
Nhiều ý kiến lo ngại xăng dầu là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên việc giá mặt hàng tăng sẽ kéo theo nguy cơ đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo kiểu “té nước theo mưa”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nguy cơ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo giá xăng dầu theo kiểu “té nước theo mưa” như dư luận nêu là có, bởi chi phí đầu vào của sản xuất bán lẻ tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay nhà nước chỉ cầm trịch giá cả của những mặt hàng thiết yếu như: Vé máy bay, vận tải đường sắt, bưu điện, điện, than, nước sạch… còn lại giá cả do thị trường quyết định, trong đó yếu tố cung - cầu là quan trọng nhất.
Hiện việc nhập khẩu xăng dầu chủ yếu do Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thực hiện, vậy theo ông trong thời gian tới có nên “xã hội hóa” hoạt động này?
- Hiện Petrolimex vẫn nắm một tỷ lệ áp đảo về thị phần trên thị trường xăng dầu nội địa. Do đó, muốn tiến tới sự cạnh tranh trên thị trường một cách minh bạch, công khai để có lợi cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhà nước cần phải mở rộng thị phần xăng dầu cho các chủ thể khác cùng kinh doanh trên thị trường. Hiện nay đã cho mở rộng đến 35% thị phần, tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia phải có đầu tư khai thác, lọc hóa dầu với các công ty Việt Nam. Tôi hi vọng tương lai không xa thị trường xăng dầu sẽ được cạnh tranh đầy đủ hơn, giảm bớt những độc quyền đang có của Petrolimex trên thị trường bán lẻ.
Để hạn chế việc tác động của giá xăng dầu lên thị trường hàng hóa, nhất là tác động tới CPI, các cấp quản lý cần có giải pháp nào thưa ông?
- Để hạn chế tác động của xăng dầu tới CPI, hàng hóa tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu, ngoài việc phải quản lý chặt chẽ, minh bạch công khai các công ty kinh doanh xăng dầu, tùy theo điều kiện nhà nước cũng phải chú ý đến việc giảm phí thuế, lợi nhuận định mức đang cấu thành trong giá một mức khá cao.
Tôi lấy ví dụ: Tháng 3/2020, xăng E5 có giá bán lẻ là 11.950đ/lít thì các khoản phí thuế, VAT, thuế nhập khẩu… đã là 7.550đ/lít, chiếm 63% giá thành. Điều này cho thấy, nếu giải bài toán kinh tế khi chúng ta giảm các khoản thu trên từ 20 - 30% thì giá xăng dầu bán lẻ sẽ giảm theo; phần giảm thu phí thuế của ngân sách chắc chắn là có, nhưng bù lại một khi giá xăng dầu giảm sẽ tạo điều kiện cho việc giảm giá thành hàng hóa dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Đây là bài toán vừa khôn ngoan, vừa có hiệu quả kinh tế tức thì nếu chúng ta chịu suy nghĩ và đầu tư cho nó.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Để hạn chế phụ thuộc vào giá xăng dầu không đơn giản, có thể giải bài toán phụ thuộc bằng cách: Sử dụng các nhiên liệu thay thế như điện, năng lượng mặt trời…; nâng cao hiệu suất sử dụng các phương tiện giao thông và thiết bị máy móc; nâng cấp cơ sở hạ tầng để nâng tốc độ chạy của các phương tiện chạy trên đường. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị