“Một biện pháp để giảm phát thải là tăng thuế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu, than đá…), đồng nghĩa với việc tăng giá trong sử dụng nhiên liệu cuối cùng (người tiêu dùng phải trả), từ đó giảm giá năng lượng trên thế giới, đồng thời giảm lượng phát thải trong nước”.
Ông Henri Prévot, cố vấn khoa học cho Diễn đàn Kinh tế&Tài chính Việt – Pháp 2009 trao đổi với Tiền Phong.
Mục đích cuối cùng của tăng thuế là giảm giá năng lượng |
Henri Prévot là kỹ sư Đại học Mỏ Paris. Ông còn là cố vấn cho ADETEF Việt Nam – tổ chức hỗ trợ phát triển các trao đổi về công nghệ kinh tế và tài chính trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Xin ông giải thích rõ hơn, tại sao tăng thuế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lại làm giảm giá năng lượng trên thế giới?
Mục đích cuối cùng của tăng thuế là giảm giá năng lượng. Vấn đề này thoạt nghe sẽ có chút mâu thuẫn. Khi các nước nhập khẩu nhiên liệu tăng thuế nhập khẩu - ở Pháp chúng tôi gọi là áp thuế - đối với mặt hàng này, điều tất yếu là giá đến tay người tiêu dùng sẽ tăng, từ đó nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ giảm, dẫn đến giảm giá.
Mâu thuẫn tôi muốn nói là việc tăng giá trong sử dụng cuối cùng (giá người tiêu dùng phải trả), thực ra để giảm giá năng lượng, như dầu chẳng hạn. Với nguồn thuế thu về, có thể giảm thuế đánh vào các mặt hàng khác.
Hoặc với nguồn thu đó có thể đầu tư vào nghiên cứu khoa học, hoặc hỗ trợ xã hội cho những người thu nhập thấp.
Áp thuế cũng là hoạt động có ích cho các nước tiêu thụ năng lượng. Giá năng lượng thế giới trong bối cảnh ấy sẽ giảm và việc giảm nhu cầu về năng lượng sẽ có tác động tích cực đến việc giảm ấm nóng trái đất.
Ở Pháp, đã áp dụng biện pháp áp thuế này chưa?
Biện pháp này chúng tôi đã áp dụng trên chất đốt, xăng chẳng hạn. Giá xăng hiện nay tại Pháp bằng giá gốc cộng giá thuế. Ví dụ, giá xăng của Việt Nam giờ khoảng 11.000 đồng, còn giá một loại xăng của chúng tôi khoảng một euro/lít (tương đương 23.000 đồng).
Giá xăng ở Pháp cao gấp đôi ở đây, vì chúng tôi áp dụng hình thức áp thuế. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này, tiếp tục tăng thuế để giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Theo ông, biện pháp này có nên áp dụng ở Việt Nam không?
Các nhà lãnh đạo và báo chí phải nói cho dân hiểu việc tăng giá xăng có lợi ích thế nào xét về tổng thể. Xét trong ngắn hạn và cục bộ, dễ thấy việc tăng giá xăng là bất lợi, đánh vào nhiều nhóm lợi ích.
Nhưng khi giải nó trên tầm vĩ mô, kết cục nhiều khi lại khác với suy nghĩ của không ít người. Vấn đề là, khi ra quyết sách, một mặt cần tuyên truyền cho dân hiểu và, mặt khác, thực hiện tăng thuế từ từ.
Cám ơn ông!
(Tiền phong)