Theo VCCI, tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.
VCCI cho rằng, tận thu thuế BVMT, vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản sẽ chịu thiệt nhất. Ảnh minh hoạ
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần cân nhắc khi đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu.
Vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản chịu tác động lớn nhất
Theo dự thảo, khung thuế suất BVMT đối với một số mặt hàng xăng dầu tăng gấp hai, ba lần so với hiện hành: với xăng (trừ xăng etanol), mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít; xăng E5 và E10 áp mức 2.500-7.200 đồng/lít; dầu diesel dự kiến áp chịu 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500-2.000 đồng như hiện hành; dầu mazut 900-4.000 đồng/kg - tăng gấp ba lần hiện nay.
Theo VCCI, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù thuế tăng, giá tăng, không vì thế mà người dân giảm nhu cầu nhưng thuế tăng chi phí xã hội phải bỏ ra lại rất lớn..
Theo phân tích này, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.
Cụ thể, đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý giá, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25%-35% đối với xe chạy xăng, từ 35%-45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không. Với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33%-59% cơ cấu giá thành. Còn trong nông nghiệp, chi phí vận chuyển chiếm từ 35%-40% cơ cấu giá thành.
Nguồn tin: Baogiaothong