Sự bùng phát trở lại gần đây của đại dịch Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới không chỉ khiến giá dầu lao dốc mà còn khiến sự bi quan ngày càng lớn về triển vọng nhu cầu dầu. Tuy nhiên, một số tin tức gần đây đã làm đảo ngược tâm lý này, với sự lạc quan đẩy giá lên cao hơn một lần nữa. Có lẽ tin vui nhất là việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã cấp phép hoàn toàn cho vắc-xin Pfizer/BioNTech trong tuần này. Việc chấp thuận này làm dấy lên hy vọng rằng sự do dự về việc tiêm vắc xin ở Hoa Kỳ sẽ giảm bớt, do đó sẽ có khả năng khuyến khích nhu cầu nhiên liệu nhiều hơn.
Thêm một tin tốt nữa đối với dầu, Trung Quốc đã không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nào trong tuần này sau khi kiềm chế được một số đợt bùng phát tại địa phương. Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc là kim chỉ nam cho giá dầu, và tuần này, chỉ báo này đang hướng tới nhu cầu dầu nhiều hơn.
Đồng đô la Mỹ yếu hơn cũng góp phần vào tâm lý tích cực vì nó thường có lợi cho nhu cầu dầu mạnh hơn, cũng như các báo cáo về khối lượng xử lý dầu thô cao hơn tại các nhà máy lọc dầu Ấn Độ vào tháng 7. Con số này tăng gần 10% so với năm trước và đi cùng với sự gia tăng nhu cầu nhiên liệu trong nước nhiều nhất kể từ tháng Tư.
Hàng loạt tin tức tăng giá này có thể dẫn đến sự thay đổi trong hành vi của các nhà giao dịch dầu lớn như quỹ đầu cơ, vốn đã liên tục bán hợp đồng dầu kỳ hạn ở bảy trong chín tuần vừa qua, theo chuyên mục hàng tuần mới nhất về mua- bán dầu của nhà báo John Kemp thuộc hãng tin Reuters.
Tuần trước, các quỹ đầu cơ và tổ chức giao dịch khác đã bán tương đương khoảng 25 triệu thùng dầu Brent và 9 triệu thùng dầu West Texas Intermediate. John Kemp lưu ý rằng phần lớn hoạt động bán là do chốt lời, nhưng khoảng 12 triệu thùng là "đợt bán khống mới" với dự đoán nguyên tắc cơ bản yếu hơn đối với dầu trong quý II. Kể từ ngày 15/6, giới đầu tư đã bán tổng cộng 253 triệu thùng dầu.
Triển vọng nhu cầu dầu trong nửa cuối năm vẫn không chắc chắn. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng ở châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng kỳ vọng của các nhà phân tích về việc dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại dường như vẫn còn dè dặt. Theo Kemp, hầu hết chính phủ các nước có thể cũng sẽ đi theo con đường thận trọng và không vội vàng dỡ bỏ các hạn chế đối với việc đi lại quốc tế cho đến khi có một mức độ chắc chắn hợp lý rằng sự lây lan của coronavirus đã được kiểm soát.
Khi nào đạt được mức độ chắc chắn này thì vẫn phải chờ xem sao khi nhiều bản tin bắt đầu cho thấy số lượng gia tăng lây nhiễm Covid-19 ở những người đã được tiêm chủng. Việc bổ sung các mũi tiêm tăng cường là một giải pháp khả thi, nhưng nguồn lực vacxin có thể bị hạn chế ở hầu hết các nơi trên thế giới.
Mặt khác, khi ngày càng nhiều công ty Hoa Kỳ bắt đầu yêu cầu bắt buộc tiêm vắc-xin cho nhân viên của họ, một số nhà phân tích kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong việc đi làm lại vào mùa thu.
Nhà phân tích Edward Moya tại nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA nói với Reuters trong tuần này: “Với nhiều tập đoàn và cơ quan chính phủ có khả năng thực thi các quy định bắt buộc về vắc-xin, việc quay trở lại văn phòng sẽ tăng lên đáng kể vào mùa thu”.
Trong khi đó, nhiều người sẽ theo dõi cuộc họp của Fed trong tuần này, tại cuộc họp có thể đưa ra báo cáo cập nhật về kế hoạch của ngân hàng trung ương để bắt đầu cắt giảm chương trình kích thích của mình.
"Mặc dù virus vẫn là mối đe dọa đối với triển vọng nhu cầu ngắn hạn, bất chấp các dấu hiệu về tình hình đang được cải thiện ở Trung Quốc, nhưng hội nghị thượng đỉnh Jackson Hole tuần này có thể mang lại cho thị trường một số ý tưởng về thời điểm thắt chặt tiền tệ", Saxo Bank cho biết trong một bài bình luận thị trường hôm thứ Hai.
Nguồn tin: xangdau.net