Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tại sao phương Tây đang nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga?

Nếu bạn hỏi một quan chức EU ngẫu nhiên rằng liệu khối có nên tiếp tục cố gắng trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraine hay không, bạn sẽ luôn nhận được câu trả lời tích cực. Quan chức đó sẽ nói rằng khả năng trừng phạt đang hết hạn, nhưng đây không phải là lý do để EU giảm bớt sức ép, như nhiều người đã trả lời trong các cuộc đối thoại với truyền thông. Tuy nhiên, EU đã bắt đầu âm thầm nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

Tờ Express của Vương quốc Anh gọi đó là sự nhượng bộ Putin. Bloomberg gọi đây là "sự điều chỉnh đối với các lệnh trừng phạt trước đây." Dù nó được gọi là gì, thì cũng đều có chung một điểm: EU đang nới lỏng thòng lọng. Và không chỉ có riêng EU.

Đầu tiên, Liên minh châu Âu đã quyết định bổ sung miễn trừ các lệnh trừng phạt Nga, điều này sẽ cho phép các nước ngoài khối giao dịch với các thực thể bị trừng phạt của Nga, bao gồm các ngân hàng và công ty nhà nước như Rosneft. Theo Bloomberg, những miễn trừ này dành cho các thực thể "được coi là thiết yếu đối với việc vận chuyển thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và dầu mỏ đến các nước thứ ba bên ngoài EU".

EU dường như đang nỗ lực rất nhiều để thuyết phục bất cứ ai đang nghe theo rằng các lệnh trừng phạt của họ đối với Nga hoàn toàn không liên quan đến việc gián đoạn nguồn cung thực phẩm hoặc năng lượng, hoặc ít nhất, họ không nhằm mục đích để chúng xảy ra.

EU trực tiếp cho biết điều đó trong một thông cáo của Hội đồng châu Âu công bố vòng trừng phạt mới nhất nhắm vào vàng của Nga.

"Nói rộng hơn, EU cam kết tránh tất cả các biện pháp có thể dẫn đến mất an ninh lương thực trên toàn cầu. Không có biện pháp nào được áp dụng hôm nay hoặc sớm hơn vì hành động của Nga làm mất ổn định tình hình ở Ukraine theo bất kỳ hình thức nào đối với giao dịch nông sản và các sản phẩm thực phẩm, bao gồm lúa mì và phân bón, giữa các nước thứ ba và Nga", thông cáo cho biết.

Tất cả những điều này thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga không hoạt động quá hiệu quả theo như dự kiến ​​ và thay vào đó đang gây tổn hại hoặc đe dọa làm tổn thương các bên thứ ba không tham gia vào cuộc xung đột Ukraine.

Còn nữa. Trong khi EU điều chỉnh các biện pháp trừng phạt để cho phép giao dịch nhiều dầu của Nga hơn nhằm tránh giá dầu tăng đột biến nữa, thì Anh lại do dự tham gia vào khối trong lệnh cấm bảo hiểm dầu đối với các tàu của Nga. Việc Vương quốc Anh tham gia vào việc siết chặt bảo hiểm là rất cần thiết vì thị phần của các công ty bảo hiểm có trụ sở tại Anh trong lĩnh vực bảo hiểm vận tải biển nhưng họ đang chần chừ.

Một bản tin gần đây của Financial Times về chủ đề này cho thấy điều này có thể liên quan đến người anh em địa chính trị lớn của Vương quốc Anh và mối quan tâm của nước này về giá dầu. Hoa Kỳ, không giống như EU và lệnh cấm vận của khối, đã chọn một cách thay thế để cố gắng giảm thu nhập từ dầu của Nga: giới hạn giá. Anh, Canada, Đức, Nhật Bản, Pháp và Ý đã đồng ý theo đuổi động thái này.

Tuy nhiên, đánh giá theo tin tức mới nhất từ ​​nhóm G7, việc áp giá trần không tiến triển tốt như kế hoạch. Nhiều người – gồm các nhà phân tích, những người trong ngành vận tải biển và người đứng đầu ngân hàng trung ương Nga, cùng những người khác – cho rằng giới hạn giá dầu thô của Nga sẽ không hiệu quả. Có vẻ như G7 đã không nghe thấy điều này.

Theo một bản tin của Reuters từ đầu tuần này, G7 đang xem xét "một lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các dịch vụ cho phép vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá được nhất trí với sự tham vấn của các đối tác quốc tế".

Tuy nhiên, nói thì rất dễ, quan trọng là hành động. Song, việc tuyên bố là rất quan trọng khi thế giới đang dõi theo, vì vậy, các nhà hoạch định G7 cũng cho biết "Khi cân nhắc lựa chọn này và các lựa chọn khác, chúng tôi cũng sẽ xem xét các cơ chế giảm thiểu cùng với các biện pháp hạn chế của chúng tôi để đảm bảo các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất duy trì khả năng tiếp cận thị trường năng lượng, bao gồm từ Nga".

Nói cách khác, cũng giống như EU, G7 sẽ thận trọng với việc gây ra thiệt hại ngoài ý muốn cho các nước không liên quan đến vụ lộn xộn Ukraine bằng cách đảm bảo dầu của Nga đến tay họ một cách tự do. Và sau đó, các sản phẩm tinh chế làm từ dầu của Nga sẽ quay trở lại EU.

Ấn Độ mua dầu của Nga, lọc tại các nhà máy lọc dầu và bán 'các sản phẩm tinh chế của Ấn Độ' ở đâu? Câu trả lời là tới EU. Vận đơn của các tàu đó sẽ không đề cập đến Nga khi chúng tới điểm đến ở EU.

"Nói tóm lại, EU đang âm thầm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bỏ qua chế độ trừng phạt được tuyên bố là 'nghiền nát' của chính mình", theo Alastair Crooke, giám đốc Diễn đàn xung đột phi lợi nhuận có trụ sở tại Lebanon, được tờ Express dẫn lời.

Các nhà hoạch định chính sách của EU, Anh và Mỹ hẳn đã nhận ra rằng việc trừng phạt Nga sẽ không dễ dàng như trừng phạt một nhà xuất khẩu dầu nhỏ hơn, đặc biệt nếu nhà xuất khẩu dầu này cũng xuất khẩu nhiều thứ quan trọng khác, chẳng hạn như thực phẩm và phân bón.

Mỹ thậm chí còn ban hành một tờ thông tin để làm rõ rằng các lệnh trừng phạt của họ không nhắm vào xuất khẩu phân bón của Nga, hay thực tế là xuất khẩu nông sản. Và điều này diễn ra trong khi Amos Hochstein cho biết "Nền kinh tế của họ không có gì khác. Họ sản xuất vũ khí, họ sản xuất và khoan dầu khí."

Có vẻ như 'nền kinh tế của họ' có rất nhiều phân bón và nông sản cũng phục vụ cho việc nuôi sống người dân bên ngoài nước Nga, và đó là còn chưa đề cập đến kim loại. Đối với dầu, nó cũng có vẻ khá quan trọng: không gì ngoài sự nguy cấp sẽ buộc EU, Anh và Mỹ phải nới lỏng thòng lọng trừng phạt.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM