Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tại sao phát thải toàn cầu tăng trở lại vào năm 2021?

Lượng khí thải nhà kính đang tăng lên trên toàn thế giới bất chấp những hứa hẹn lớn về việc cắt giảm carbon và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Lạc quan về sụt giảm lượng khí thải trong suốt năm 2020, chủ yếu là do các hạn chế liên quan đến đại dịch và sự thay đổi trong lối sống, cũng như sự nhiệt tình xung quanh hành động quốc tế sắp diễn ra của hội nghị COP26, có lẽ đã sai lầm.

Trong khi nhiều chính phủ và công ty năng lượng trên thế giới có tham vọng không phát thải ròng và cắt giảm carbon thì chúng ta có thể thấy mức phát thải carbon cao cho đến khi năng lượng carbon thấp được phổ biến rộng rãi hơn. Phát thải ở Mỹ đã tăng 6,2% trong năm 2021 so với năm 2020 mặc dù hy vọng sự thay đổi hành vi trong đại dịch sẽ thúc đẩy sự thay đổi lâu dài. Trong suốt năm đầu tiên của đại dịch, các nhà hoạt động môi trường đã nhấn mạnh sự sụt giảm khí thải xảy ra khi mọi người bắt đầu làm việc tại nhà, ngừng đi du lại nhiều và khi các hoạt động công nghiệp chậm lại. Ý tưởng rằng có thể tạo ra một sự thay đổi đáng kể đã khiến các nhà hoạt động, thanh niên và thậm chí chính phủ đề xuất sự cần thiết phải thay đổi.

Tuy nhiên, vào năm 2021, chúng ta dường như đã thụt lùi nhanh chóng, với phần lớn dân số thế giới quay trở lại thói quen cũ. Khi giao thông đường bộ và hàng không phục hồi và hoạt động trở lại trên hầu hết các ngành công nghiệp, lượng khí thải nhất định sẽ tăng lên. Chẳng hạn như, lượng khí thải giao thông ở Mỹ đã tăng khoảng 10% vào năm 2021 so với năm 2020.

Kate Larsen, từ Rhodium Group thực hiện nghiên cứu này, cho biết "Chúng tôi dự báo là ​​sẽ gia tăng nhưng thật đáng kinh ngạc là lượng khí thải quay trở lại thậm chí còn nhanh hơn so với nền kinh tế nói chung." Trên thực tế, “Chúng ta không giảm cường độ carbon của nền kinh tế, mà còn đang tăng lên. Chúng ta đang làm ngược lại hoàn toàn với những gì cần phải làm”, bà giải thích.

Rõ ràng vẫn còn một chặng đường dài phía trước và sau tình trạng thiếu hụt dầu khí trầm trọng vào năm ngoái, một số quốc gia trên thế giới đã chuyển sang sử dụng than - nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất - để thu hẹp khoảng trống nguồn cung đó. Bất chấp việc sử dụng than ở Mỹ giảm trong những năm gần đây, sản lượng năng lượng từ than đã tăng 17% vào năm 2021 so với năm 2020. Và điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng than dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021, với mức nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2022. Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, chiếm 2/3 nhu cầu than toàn cầu - một xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra khi Trung Quốc có kế hoạch tiếp tục đầu tư mạnh vào khai thác than.

Vương quốc Anh, hiện đang có kế hoạch loại bỏ toàn bộ sản lượng than vào năm 2024 và dường như đang đi đúng hướng - đạt được mốc thời gian ba ngày không sử dụng than vào mùa hè - đã phải vận hành lại các nhà máy than vào tháng 9 để đáp ứng nhu cầu điện. Khi phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và giá cả tăng đáng kể, nước này đã chuyển sang sử dụng than để cung cấp năng lượng cho cả nước.

Liên quan đến một số thay đổi mà chúng ta đã nhìn thấy từ năm 2020 đến năm 2021, lượng phát thải khí nhà kính trên toàn thế giới được cho là đã tăng 4,9%, với khoảng 36 tỷ tấn carbon dioxide được thải vào khí quyển trong năm qua. Ở châu Âu, lượng phát thải khí nhà kính từ các nước EU đã tăng 18% vào mùa xuân năm ngoái. Các hộ gia đình chỉ đóng góp dưới 1/5 lượng khí thải và thủ phạm chính là giao thông và sưởi ấm.

Rob Jackson, chủ tịch Dự án Cacbon Toàn cầu đã phát biểu về xu hướng này, “Chúng tôi đã dự đoán sự gia tăng khí thải này khi nền kinh tế thế giới trở lại gần mức bình thường.”, Đồng thời cho biết thêm “Đậu xe trong một năm và đó cũng chính là phương tiện gây ô nhiễm khi bạn khởi động lại. Tương tự, khi hoạt động kinh tế quay trở lại, lượng khí thải cũng tăng lên”, ông giải thích.

Tuy nhiên, có lý do để hy vọng vì lượng phát thải khí nhà kính năm 2021 đã giảm 5% so với năm 2019, cho thấy sự thay đổi có thể đang diễn ra, nhưng không phải ở tốc độ mà nhiều người đã hy vọng. Trên toàn EU, lượng phát thải khí nhà kính đã giảm 31% từ năm 1990 đến năm 2020, bất chấp sự gia tăng dân số và sự gia tăng đi lại. Điều này phản ánh sự thay đổi trong các chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích cắt giảm khí thải cũng như tăng cường đầu tư vào các giải pháp thay thế tái tạo trong ba thập kỷ qua. Nó cho thấy tiềm năng của một sự thay đổi khi các chính phủ và công ty năng lượng cùng nhau hướng tới sự thay đổi.

Nhiều chính phủ trên thế giới đang dựa vào các công ty dầu khí để cắt giảm lượng khí thải của mình, tăng thuế đối với lĩnh vực này và yêu cầu các công ty khai thác dầu mỏ mở rộng danh mục đầu tư để bao gồm các dự án sản xuất dầu carbon thấp và năng lượng tái tạo. Nhưng để tạo ra những thay đổi đáng kể, chính phủ, các tổ chức công và các công ty tư nhân phải hợp tác cùng nhau để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo với tốc độ đã cam kết tại hội nghị thượng đỉnh COP26. Với nhiều quốc gia đặt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, họ sẽ phải theo kịp tốc độ chuyển đổi năng lượng nếu hy vọng đạt được mục tiêu này.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM