Vào năm 2020, khi virus corona dẫn đến phong tỏa hết nước này đến nước khác, nhiều nhà quan sát trong ngành năng lượng và thậm chí cả giới đầu tư trên thị trường đã cho rằng đây là sự kết thúc của kỷ nguyên dầu mỏ. Theo những người này, nhu cầu đã đạt đỉnh. Từ bây giờ trở đi, nó sẽ là một vòng xoáy đi xuống đối với dầu. Nhưng thực tế diễn ra lại không như vậy.
Chỉ một năm sau đại dịch, các nền kinh tế đã mở cửa trở lại, tăng trưởng và không có gì ngạc nhiên đối với nhiều người, tiêu thụ dầu thô nhiều hơn. Tháng 9 năm ngoái, Bloomberg đưa tin rằng một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng kiến nhu cầu dầu phục hồi lên mức trước đại dịch và thậm chí còn tăng trưởng hơn nữa vượt những mức này.
Bây giờ, hai năm sau đại dịch và với hy vọng đây có thể là làn sóng lây nhiễm cuối cùng, nhu cầu dầu vẫn tăng mạnh bất chấp sự lo ngại mới về biến thể Omicron. Các nhà phân tích dự đoán giá dầu vẫn cao hơn, với lý do công suất hạn chế, thiếu đầu tư vào khai thác mới và sự mạnh lên của nhu cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần này bày tỏ sự ngạc nhiên với sự mạnh lên của nhu cầu này. Có vẻ như IEA đã cho rằng vì lý do này hay lý do khác, tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ chậm lại. Có lẽ giả định này có liên quan đến dự báo năng lượng của chính cơ quan này rằng sự tăng trưởng lớn về công suất phát điện từ gió và mặt trời cũng như sự gia tăng mạnh mẽ trong việc lựa chọn xe điện (EV), trong đó EV ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu dầu. Tuy nhiên, giả định của IEA đã được chứng minh là hoàn toàn không chính xác.
Giám đốc IEA, Fatih Birol, cho biết: “Động lực của nhu cầu mạnh hơn nhiều nhà quan sát thị trường đã nghĩ, chủ yếu là do kỳ vọng Omicron nhẹ hơn”. Diễn giải tuyên bố này có nghĩa là IEA dự kiến sẽ có thêm nhiều đợt phong tỏa quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. Tuy nhiên, những đợt đóng cửa nghiêm trọng hơn khá khó xảy ra trong khoảng thời gian này - ngay cả những nền kinh tế giàu có nhất cũng khó ứng phó với một đợt đóng cửa nền kinh tế khác, vì vậy họ đang tiếp cận làn sóng Omicron này thận trọng hơn so với những làn sóng tế trước đó.
Ông Birol cũng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một số nhà sản xuất chủ chốt bao gồm Nigeria, Libya và cả Ecuador bị gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng”, cùng chung lo lắng với các nhà phân tích rằng phía cung của phương trình dầu toàn cầu cũng có vấn đề như phía cầu. Ecuador đang khôi phục hoạt động khai thác sau khi nước này sửa chữa hai đường ống quan trọng. Libya tiếp tục là một yếu tố khó lường, và Nigeria đang gặp khó khăn nhưng vẫn quyết tâm tăng sản lượng dầu của mình.
Đây là tình hình hiện tại của cung-cầu dầu mỏ. Tương lai có thể khác. Có điều, vấn đề thiếu đầu tư đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cả OPEC và IEA - IEA đã tự xưng là tổ chức ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng - đã cảnh báo rằng thế giới cần thêm nhiều phát hiện dầu mới.
Lý do duy nhất cho điều này có thể là vì nhu cầu không biến mất nhanh như hy vọng của tất cả các cơ quan ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, Big Oil đang hạn chế sản lượng dầu của mình vì áp lực chuyển đổi, và điều này không chỉ có nghĩa là phát hiện mới ít hơn do đầu tư vào thăm dò thấp hơn mà còn vì sản lượng ít hơn từ một số nhà sản xuất lớn nhất hiện nay. Điều này sẽ chuyển gánh nặng nguồn cung nhiều hơn sang cho OPEC+, tổ chức có công suất dự phòng đang thu hẹp, giống như sản lượng của các công ty Dầu lớn Châu Âu.
Triển vọng nhu cầu dầu có vẻ khả quan đến mức ngay cả các công ty khai thác đá phiến của Mỹ cũng bắt đầu đẩy mạnh sản xuất bất chấp việc sắp xếp lại các ưu tiên do đại dịch gây ra khiến họ tập trung vào việc chi trả cổ tức cho các cổ đông và bỏ qua tăng trưởng sản xuất. Với xuất khẩu dầu năm ngoái đạt mức cao kỷ lục, việc không tận dụng được cơ hội để cung cấp một tỷ trọng dầu cao hơn mà thế giới đang ‘đói’ năng lượng cần đến sẽ là một điều hơi kỳ quặc.
“Tiêu thụ dầu và khí đốt phải sụt giảm, nhu cầu phải giảm”, Birol cho biết vào đầu tháng này trong các bình luận về một báo cáo tập trung vào Canada. "Không còn đường nào khác. Nhưng tôi muốn nói rõ rằng nhu cầu giảm không có nghĩa là ngày mai chúng sẽ bằng 0."
Tuyên bố này lặp lại tuyên bố của Tổng thống Biden khi ông bị chỉ trích vì yêu cầu OPEC bơm thêm dầu trong khi đồng thời thúc đẩy một chương trình nghị sự mang nặng tính chuyển đổi xanh ở trong nước. Biden cho rằng cả hai không loại trừ lẫn nhau vì quá trình chuyển đổi cần có thời gian.
"Nhìn bề ngoài, đó có vẻ như là một sự trớ trêu", Biden nói hồi đầu tháng, đề cập đến lời kêu gọi của ông về việc OPEC+ tăng thêm sản lượng dầu trong khi hướng tới COP26 để thảo luận về việc cắt giảm lượng khí thải toàn cầu. "Nhưng sự thật của vấn đề là ... mọi người đều biết rằng ý tưởng chúng ta sẽ có thể chuyển sang năng lượng tái tạo chỉ sau một đêm là không hợp lý."
Thật vậy, bất chấp lời kêu gọi từ một số nhóm bảo vệ môi trường cấp tiến hơn để thực hiện chính xác điều đó, hoạt động khai thác dầu và khí đốt không thể bị dừng lại trong một sớm một chiều để đảm bảo một con đường rõ ràng hướng tới mục tiêu net-zero 2050. Nhưng ngay cả sự suy giảm mà ông Birol xem là cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris cũng có thể chứng tỏ một vấn đề khó giải quyết. Tất nhiên, trừ khi các chính phủ sử dụng một loạt các lệnh cấm và yêu cầu chỉ cho công dân của họ đi đúng hướng.
Nguồn tin: xangdau.net