Turkmenistan và Pakistan tiếp tục đàm phán về việc hồi sinh đường ống Turkmenistan–Afghanistan–Pakistan–Ấn Độ (TAPI) và một cuộc gặp song phương về vấn đề này ở Islamabad sẽ sớm được công bố - có thể vào cuối tháng 6 năm 2023. Về phần mình, Ashgabat rất quan tâm về việc xúc tiến dự án, trong khi Pakistan ‘đói’ năng lượng sẵn sàng tiếp tục tham gia dù có Ấn Độ hay không. Và Kabul cho biết họ sẵn sàng huy động một lực lượng đặc biệt để đảm bảo an ninh cho dự án. Một số nguồn tin đã tuyên bố rằng doanh thu quá cảnh tiềm năng có thể chiếm tới 80 hoặc 85% ngân sách trung ương của Afghanistan, tạo thêm động lực để đảm bảo khu vực xung quanh đường ống tiềm năng. Nhìn chung, đường ống TAPI được lên kế hoạch nằm trải dài hơn 1.100 dặm với khả năng vận chuyển 33 tỷ mét khối (bcm) khí tự nhiên mỗi năm từ mỏ khí Galkynysh ở Turkmenistan đến thành phố Fazilka của Ấn Độ qua Afghanistan và Pakistan. Dự án ban đầu được hình thành vào đầu những năm 1990; tuy nhiên, đường ống đã không được công bố cho đến năm 2014 với chi phí ước tính là 10 tỷ USD vào thời điểm đó. Vào năm 2018, việc xây dựng đường ống bắt đầu nhưng nhanh chóng bị dừng lại vì lý do an ninh sau khi các công nhân dọn dẹp khu vực này bị giết bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính
Trong những năm gần đây, các quan chức ở Islamabad, Kabul và Ashgabat đã nghiêm túc xem xét việc đưa dự trở lại án, dự án này một lần nữa được chú ý sau khi lực lượng Mỹ rút lui và Taliban tiếp quản Kabul vào năm 2021. Tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị ở Afghanistan cho đến nay vẫn là rào cản chính ngăn cản việc xây dựng đường ống. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Taliban đã đảm bảo với Turkmenistan rằng họ sẽ giữ an ninh cho dự án. Theo kế hoạch được người phát ngôn của Taliban Bilal Karimi công bố vào tháng 1 năm 2022, Afghanistan “sẽ triển khai một đơn vị an ninh gồm 30.000 thành viên để đảm bảo an ninh cho dự án TAPI. Họ sẽ đảm bảo an ninh dọc theo tuyến đường của dự án ở tất cả các khu vực của các tỉnh nơi đường ống đang được xây dựng”.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã nêu lên lo ngại về những thách thức hậu cần và các khía cạnh thương mại của đường ống. Cụ thể, New Delhi chủ yếu lo ngại về các chi phí tiềm ẩn khi xây dựng dự án cũng như những bất ổn chính trị khi phê chuẩn một đường ống dẫn dầu chạy qua lãnh thổ của đối thủ địa chính trị Pakistan.
Việc khôi phục và triển khai dự án TAPI không phải là không có ý nghĩa địa chính trị. Về phần mình, Nga cũng thể hiện sự quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng đường ống. Vào tháng 1 năm 2023, Zamir Kabulov, đặc phái viên của Nga tại Afghanistan, đã đến thăm Kabul và trình bày một nỗ lực mới từ Moscow để hồi sinh dự án bị đình trệ. “Khi tình hình ở Afghanistan ổn định, sự tham gia của các nhà điều hành kinh tế trong nước vào việc xây dựng và vận hành đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan–Afghanistan–Pakistan–Ấn Độ là có thể,” Bộ Ngoại giao Nga cho biết sau chuyến thăm của ông Kabulov.
Bất chấp lợi nhuận và các khía cạnh thương mại của đường ống TAPI, các quan chức Nga chủ yếu coi việc tham gia vào dự án là hấp dẫn về mặt chính trị. Đối với Moscow, đường ống này rất hấp dẫn bởi nó không chỉ đơn thuần là một dự án trung chuyển khí đốt mà còn kết nối Nam và Trung Á trên cơ sở nhu cầu và lợi ích chiến lược của các quốc gia ở cả hai khu vực. Do đó, với tư cách là một nhân tố chủ chốt tiềm năng trong dự án, Nga sẽ có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Nam Á. Về điều này, ông Kabulov đã khẳng định, “Một viễn cảnh như vậy có vẻ hấp dẫn về mặt chính trị. Các vấn đề hỗ trợ an ninh cho dự án này trước đây được coi là thách thức nhất đã mất đi tính cấp thiết ở giai đoạn này”. Hơn nữa, một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Moscow là tiếp cận Ấn Độ Dương thông qua việc phát triển hơn nữa hành lang vận chuyển Bắc-Nam - điều mà đường ống TAPI sẽ giúp thực hiện.
Ngoài ra, dự án có vị trí địa chính trị quan trọng đối với Moscow. Vào năm 2021, trong khi phát biểu tại hội nghị quốc tế “Trung và Nam Á: Kết nối khu vực. Thách thức và Cơ hội” được tổ chức tại Tashkent, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ sự quan tâm của Điện Kremlin trong việc tham gia xây dựng các tuyến đường vận chuyển khí đốt mới trong khu vực, bao gồm TAPI: “Việc tích hợp cơ sở hạ tầng năng lượng của Trung và Nam Á là rất hứa hẹn. … Liên minh Kinh tế Á-Âu đang làm việc để hình thành một thị trường điện duy nhất. Quá trình này có thể được đồng bộ hóa với các dự án cung cấp điện ở Trung và Nam Á”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự tham gia của Nga vào đường ống TAPI sẽ là một bước tiến thực sự đối với tầm nhìn của Nga với Quan hệ đối tác Á-Âu mở rộng (GEP). GEP đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách khu vực của Moscow, trong số các mục tiêu khác, tìm cách tập hợp “một mạng lưới các khu vực thương mại tự do và các liên minh kinh tế và thương mại liên khu vực, đồng thời kết nối các dự án hội nhập trên khắp không gian Á-Âu rộng lớn”.
Hơn nữa, đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây do cuộc xâm lược Ukraine, Nga muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Turkmenistan giàu năng lượng. Moscow quan tâm đến việc tham gia vào dự án đường ống TAPI nhằm nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang châu Á. Theo đó, Turkmenistan có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển năng lượng và hàng hóa của Nga được xuất khẩu sang Nam và Trung Á. Trên thực tế, như một chuyên gia đã chỉ ra, Ashgabat không sẵn lòng xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ và xa hơn là sang châu Âu nếu điều đó gây nguy hiểm cho quan hệ đối tác của họ với Moscow: “Ashgabat rõ ràng đang đứng về phía Nga và từ chối các cơ hội vận chuyển khí đốt của mình sang phía Tây. Họ đã chọn hướng về phía những người anh em độc tài của mình, Nga và Iran”. Thật vậy, đối với Turkmenistan, bên cạnh việc tạo thêm thu nhập, đường ống TAPI sẽ rất quan trọng để giảm sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của khí đốt Turkmenistan kể từ năm 2010.
Và vì an ninh là một trong những mối quan tâm lớn nhất của Moscow nên hiện tại, có vẻ như các quan chức Nga hài lòng với sự đảm bảo của chính phủ Taliban. Vào ngày 19 tháng 1, liên quan đến kế hoạch an ninh của Kabul, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov đã tuyên bố rằng, nếu “một số vấn đề an ninh” được giải quyết, Nga sẽ nghiêm túc xem xét việc tham gia dự án TAPI.
Hệ thống TAPI là một liên doanh kinh tế và kinh doanh lớn có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, do những lo ngại về an ninh tiềm ẩn và những khó khăn địa chính trị nhất định - Iran và Ấn Độ có thể vẫn phản đối dự án, thay vào đó lựa chọn khôi phục đường ống dẫn dầu Iran–Pakistan–Ấn Độ - triển vọng thực tế cho việc thực hiện vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, các bên tham gia chính vẫn tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận về việc đưa đường ống này thành hiện thực, kể cả Nga, quốc gia mong muốn đóng vai trò trung tâm trong các dự án vận chuyển và năng lượng mới nổi để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Nam và Trung Á.
Nguồn tin: Jamestown Foundation
© Bản tiếng Việt của xangdau.net