Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tại sao Goldman Sachs vẫn bình chân như vại mặc giá dầu quay đầu giảm?

 Thị trường dầu mỏ thế giới đang chứng kiến một đợt bán tháo do nhà đầu tư e ngại về ảnh hưởng của biến chủng Delta, song các chuyên gia năng lượng tại Goldman Sachs dường như không quá hoảng sợ trước cú giảm điểm vừa qua.

Mở đầu giao dịch tuần này, giá dầu thô đã giảm hơn 7% trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về ảnh hưởng của biến chủng Delta và thỏa thuận tăng nguồn cung của liên minh dầu mỏ OPEC+.

Theo CNBC, đây là mức giảm mạnh nhất trên thị trường dầu thô thế giới kể từ tháng 3 năm nay. Đồng thời, việc giá dầu lao dốc ngay đầu tuần còn là một lời nhắc nhở đối với các nhà đầu tư đang trong tâm lý lạc quan nhờ hưởng lợi khi giá dầu chạm đỉnh 2 năm rưỡi.

Giới phân tích đã nhanh chóng nhấn mạnh rằng nhu cầu dầu thô trong tương lai còn nhiều bất ổn, khi mà số ca nhiễm mới liên quan biến chủng Delta đang đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế. Hiện tại, biến chủng này thậm chí còn đang lây lan mạnh tại các nước có tỷ lệ tiêm ngừa cao.

Ông Stephen Brennock, chiến lược gia cấp cao tại công ty tư vấn PVM Oil Associates (London), cho hay: "Rõ ràng, thị trường chưa chắc chắn về triển vọng nhu cầu. Ngay thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang đặt câu hỏi về khả năng phục hồi của nhu dầu khi biến chủng Delta hoành hành".

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Goldman Sachs, dẫn đầu là chiến lược gia Damien Courvalin, coi đợt giảm vừa rồi của giá dầu chỉ là tạm thời, tạo tiền đề cho giá dầu bật tăng cao hơn. Họ nhấn mạnh, nhà đầu tư không có nhiều lý do để phải lo lắng.

Niềm tin vững chắc của Goldman Sachs đến từ đâu?
Cán cân cung - cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đang thắt chặt hơn so với trước đây, bất chấp việc OPEC và các đồng minh đã nhất trí bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng từ tháng 8 năm nay.

Sau khi OPEC+ đạt được thỏa thuận vào cuối tuần qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong nửa cuối năm nay. Dự báo này đương nhiên lạc quan hơn so với kịch bản OPEC+ không có thỏa thuận nào.

Goldman Sachs dự đoán rằng, nhu cầu dầu thô nói chung "có thể chỉ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong một vài tháng tới" nếu biến chủng Delta tiếp tục lây lan.

Thậm chí, nhu cầu có thể không bị ảnh hưởng nhiều nếu vắc xin ngừa COVID-19 phát huy tác dụng tại các thị trường đang phát triển, những nước đã giúp cải thiện nhu cầu năng lượng của thế giới trong mùa hè năm nay, báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ.

Nhận định mới của ngân hàng này phù hợp với dự báo cũ của họ. Trước đó, Goldman Sachs cho rằng giá dầu Brent có thể chạm mốc 80 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.

Triển vọng nhu cầu lạc quan, kết hợp với tốc độ tăng sản lượng "từ từ" của OPEC+ và nguồn cung thắt chặt hơn, khiến các nhà phân tích của Goldman Sachs giữ nguyên dự báo giá dầu.

Tuy nhiên, do nhu cầu dầu thô trước mắt đang chịu sự chi phối của biến chủng Delta, Goldman Sachs có điều chỉnh nhẹ dự báo. Cụ thể, ngân hàng nước Mỹ tin tưởng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 75 USD/thùng trong quý III và chỉ chạm ngưỡng 80 USD/thùng vào quý IV.

"Giá dầu có thể quay đầu giảm mạnh trong những tuần tới do tính bất ổn của biến chủng Delta...", các chuyên gia của Goldman Sachs lưu ý thêm.

Yếu tố Trung Quốc
Gần đây, một yếu tố ít được nhắc đến trong bức tranh nhu cầu dầu thô tương lai chính là đất nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới - Trung Quốc. Tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh đang có dấu hiệu chững lại, điều này sẽ tạo ra một lực cản nhất định cho quỹ đạo của dầu thô.

Theo PVM Oil Associates, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 năm nay đã giảm 2% so với tháng trước xuống còn 9,77 triệu thùng/ngày. Đây cũng là số liệu thấp nhất theo cơ sở hàng tháng kể từ đầu năm nay.

Trong tháng 7, nhập khẩu dầu thô của đất nước tỷ dân tiếp tục giảm xuống còn 9,55 triệu thùng/ngày, theo Refinitiv Oil Research. Tính chung nửa đầu năm nay, nhập khẩu dầu thô của nước này hụt 3% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần đầu tiên dữ liệu giảm mạnh kể từ năm 2013.

Ông Brennock của PVM Oil Associates cho hay: "Dữ liệu GDP mới nhất cho thấy đà phục hồi kinh tế theo mô hình chữ V của Trung Quốc đang giảm tốc. Đáng lo ngại hơn, dữ liệu hải quan gần đây của Trung Quốc còn phát đi một số tín hiệu trái chiều cho thị trường năng lượng, mà chủ yếu là nghiêng về khả năng giảm giá".

Sự kết hợp của ba yếu tố, gồm triển vọng nhu cầu khó đoán do biến chủng Delta, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc hạ nhiệt và nguồn cung bổ sung của OPEC+ sắp trở lại thị trường, đang đè nặng lên tương lai giá dầu.

Tuy nhiên, sự bất ổn kéo dài bao lâu và chiến dịch tiêm chủng của các nước có thể kìm hãm tốc độ lây lan của virus cũng như thúc đẩy bức tranh nhu cầu hay không còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Trong khi đó, các yếu tố liên quan tới nguồn cung, đặc biệt là tồn kho dầu thô đang ở mức thấp, tiếp tục tạo niềm tin cho các nhà đầu tư năng lượng.

Nguồn tin: Vietnambiz

ĐỌC THÊM