Giá dầu đã tăng khoảng 30% trong quý đầu tiên năm nay, với WTI và cả Brent đều có kết quả tốt nhất hàng quý trong một thập kỷ kể từ quý hai năm 2009.
Vào đầu quý II năm 2019, WTI đã vượt 60 đô la vào tuần trước và giao dịch trên mức đó trong tuần đầu tiên của tháng 4, trong khi Brent tiếp cận mốc 70 đô la trong nhiều ngày.
Vào cuối năm ngoái, số nhà phân tích dự đoán giá dầu tăng nhanh như vậy trong năm 2019 là rất ít, sau khi những người tham gia thị trường hoang mang trước những dự báo ảm đạm về sự tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại trong năm nay đã khiến dầu rớt gần 40% trong quý 4 năm 2018.
Bước vào quý 1 năm nay, nhiều dấu hiệu đã bắt đầu xuất hiện rằng những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu đang chững lại có lẽ đã bị thổi phồng.
Nhu cầu đã được phục hồi - thực sự nó đã được giữ vững hơn so với nhiều học giả đã dự đoán vào cuối năm ngoái. Cùng với một thị trường thắt chặt do OPEC và các đồng minh cắt giảm và các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt việc bán dầu của Venezuela và Iran, giá dầu có thể đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà dự báo.
Giá dầu cao hơn đương nhiên dẫn đến giá xăng cao hơn, và nhiều dự báo cho thấy các tài xế Mỹ nên chuẩn bị ứng phó với giá xăng tăng hơn nữa khi mùa xuân đến và nhiều người lái xe hơn. Mùa bảo dưỡng nhà máy lọc dầu ở Mỹ cũng đang gây áp lực lên trữ lượng xăng và giá, AAA cho biết trong một bản cập nhật vào ngày 4 tháng Tư.
“Cho đến khi các nhà máy lọc dầu quay trở lại hoạt động bình thường, việc này sẽ mất vài tuần, thì những người lái xe ở Mỹ nên nghĩ là giá xăng sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu xăng gia tăng”, theo AAA.
Patrick DeHaan, người đứng đầu bộ phận phân tích dầu khí cho GasBuddy, cho biết vào ngày 1 tháng 4:
“Trong tuần thứ bảy liên tiếp, giá xăng trung bình cả nước đã tiếp tục tăng, không suy giảm, do tác động theo mùa. Mùa xuân năm nay sắp đến đã cảm thấy tồi tệ hơn so với những năm trước, và cho đến nay, mức giá trung bình trê cả nước đã tăng gần 50 xu mỗi gallon so với mức thấp năm 2019 của chúng tôi”.
“Thật không may, đây là một lối mòn mà chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong ít nhất vài tuần nữa”, DeHaan nhấn mạnh.
Một trong những yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng cao trong năm nay là “nhu cầu rất bền vững”, Michele Della Vigna, người đứng đầu nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên EMEA tại Goldman Sachs, nói với CNBC trong tuần này.
“Mọi người đã bước vào năm nay với một cái nhìn rất tiêu cực và nhu cầu thực sự đã phục hồi” Vigna nói.
“Nhu cầu vẫn còn mạnh mẽ đặc biệt là tại các thị trường mới nổi, nơi tiếp tục mua rất nhiều dầu thô”, chuyên gia của Goldman lưu ý.
Mức giá hiện tại phù hợp với tất cả mọi người đứng về phía nhà sản xuất- nó giúp xoay sở tình trạng thâm hụt ở một số thành viên OPEC về mức có thể chịu đựng được, nó thực sự mang lại lợi nhuận cao cho ngành công nghiệp, và nó đủ để đá phiến của Mỹ tiếp tục phát triển, della Vigna nói với CNBC.
Goldman Sachs không dự báo giá dầu thô Brent phá thủng đáng kể trên 70 đô la hoặc dưới 60 đô la một thùng trong những tuần tới.
Nhưng có những sự kiện dự kiến diễn ra trong vài tuần tới và một vài tháng mà có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu và xác định xu hướng giá dầu (và xăng) cho tới mùa hè.
Giả sử rằng tăng trưởng nhu cầu được giữ vững, như Goldman cho biết từ đầu năm đến nay, nguồn cung dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa với lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và việc xem xét lại sắp tới của Mỹ đối với các khách hàng mua dầu của Iran. Chính quyền Trump dự kiến sẽ không cắt đứt tất cả khách hàng của Iran vào đầu tháng 5, khi cân nhắc đến sự ác cảm của Tổng thống Trump đối với giá xăng cao và giá Brent hiện tại đã vượt 70 USD/thùng.
OPEC và các đồng minh không thuộc OPEC do Nga dẫn đầu sẽ xem xét lại hiệp ước cắt giảm sản xuất vào cuối tháng 6, nhưng tại cuộc họp đó, họ sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn về việc nguồn cung sẽ đi đâu, bởi vì Mỹ sẽ quyết định liệu có nên gia hạn và cho ai có được gia hạn miễn trừ cho việc mua dầu của Iran.
Ả Rập Xê Út đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ làm mọi cách để tái cân bằng thị trường, với những cắt giảm có khả năng đến cuối năm 2019, trong khi đó, Nga, như thường lệ, báo hiệu sự miễn cưỡng của họ đối với việc cắt giảm tiếp tục.
Về phía cầu, luôn có sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ẩn nấp trong bóng tối để làm hoảng sợ thị trường dầu mỏ một lần nữa.
Quý đầu tiên của năm nay chứng kiến sự kết hợp của nhu cầu bật tăng và thắt chặt nguồn cung đẩy giá dầu lên cao hơn. Các chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, tình trạng của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng thị trường mới nổi, tranh chấp thương mại, nhu cầu tài chính của các thành viên OPEC, hay sự gián đoạn nguồn cung đột ngột, chẳng hạn ở Libya, tất cả sẽ quyết định – với mức độ khác nhau – đến chuyện giá dầu sẽ đi về đâu trong những quý tới.
Nguồn tin: xangdau.net