Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tại sao EU đang chật vật để kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng?

Thứ Sáu tuần trước, các Bộ trưởng năng lượng của 27 thành viên EU đã họp để thảo luận khẩn cấp về tình hình nguồn cung năng lượng trong khối. Một việc mà họ nhất trí là thực hiện mức trần đối với doanh thu của các công ty điện không sử dụng khí đốt để sản xuất điện.

Những gì họ không đồng ý là mọi thứ khác mà Ủy ban đề xuất vào tuần trước, bao gồm giới hạn giá khí đốt của Nga, giới hạn giá năng lượng cuối cùng, và sự can thiệp trực tiếp vào thị trường điện của EU. Thật khó để 27 quốc gia đồng ý về nhiều thứ mà không có bất kỳ thỏa hiệp nào. Đây là lý do tại sao các kế hoạch tồn tại của EU cho mùa đông có thể không bao giờ mang lại hiệu quả như dự kiến.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu, do bà Ursula von der Leyen đứng đầu, đã đề xuất các nước thành viên EU áp đặt giới hạn giá đối với nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, cắt giảm bắt buộc mức tiêu thụ năng lượng trong toàn khối, và giới hạn doanh thu của những công ty điện lực không sử dụng khí đốt.

Giới hạn giá khí đốt của Nga là một trong những yếu tố gây chia rẽ trong EU tại các cuộc thảo luận hôm thứ Sáu sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào áp đặt giới hạn giá đối với dầu hoặc khí đốt của Nga sẽ không nhận được chúng.

Một số thành viên EU đã tranh luận ủng hộ giới hạn giá khí đốt cho tất cả khí đốt nhập khẩu vào khối, sau một đề xuất tương tự mà Ba Lan đưa ra hồi đầu tháng. Khoảng 15 thành viên của EU đã ủng hộ động thái này, nhưng những nước khác tỏ ra hoài nghi. Và họ đã đúng khi hoài nghi: Na Uy, vị cứu tinh cho khí đốt của EU, đã phát tín hiệu họ sẽ không chấp nhận giới hạn giá cho khí đốt của mình.

Thủ tướng Jonas Gahr Stoere phát biểu: “Đó không phải là giải pháp mà chúng tôi đề xuất, chúng tôi không nghĩ nó giải quyết được các thách thức của EU”.

Vấn đề là Liên minh châu Âu không có nhiều thời gian để thảo luận về cách cứu nền kinh tế và người dân của mình khỏi tình trạng mất điện trong mùa đông này. Và như Bloomberg đã chỉ ra trong một phân tích gần đây về tình trạng này trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng, tốc độ không nằm trong số những điều mà Liên minh châu Âu được biết đến.

Thủ tướng Bỉ nói thẳng, "Một vài tuần như thế này và nền kinh tế châu Âu sẽ dừng lại hoàn toàn. Việc phục hồi từ đó sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc can thiệp vào thị trường khí đốt hiện nay. Nguy cơ của tình trạng đó là phi công nghiệp hóa và nguy cơ bất ổn xã hội cơ bản nghiêm trọng", ông nói với Bloomberg vào tuần trước.

Các cuộc biểu tình đã là một sự thật. Hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Cộng hòa Séc vào đầu tháng này để phản đối chính sách năng lượng và đối ngoại của chính phủ. Hàng nghìn người cũng đang phản đối giá năng lượng cao ở Đức và Ý. Tại Pháp, cảnh sát đã giải tán một cuộc biểu tình bất hợp pháp vào cuối tuần qua, bắt giữ vài chục người.

Khi thời tiết bắt đầu lạnh hơn, những cuộc biểu tình này cũng có thể gia tăng và nhân rộng. Điều này làm cho nhiệm vụ của chính phủ các nước trong EU trở nên cấp thiết hơn. Tuy nhiên, đã có những bất đồng nội bộ khó mà có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Chẳng hạn, Croatia có kế hoạch cấm xuất khẩu khí đốt tự nhiên, điều này đã khiến nước láng giềng - và khách hàng khí đốt - Hungary gặp khó khăn. Các nước láng giềng của Đức cũng không hài lòng, sau khi Berlin tuyên bố sẽ không thay đổi ý định về các lò phản ứng hạt nhân còn lại của mình và sẽ cho ngừng hoạt động theo kế hoạch.

"Tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi có thể cung cấp mọi thứ để vượt qua mùa đông", ủy viên thị trường nội bộ của EU, Thierry Breton cho biết vào tuần trước. "Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi quốc gia, có khả năng làm điều đó cho chính giai đoạn này, rằng họ làm bất cứ điều gì họ có thể. Và đó cũng là vấn đề đoàn kết."

Đức rõ ràng không nhìn nhận mọi thứ theo cách tương tự, và có vẻ như người duy nhất hiện đang nhìn thấy mọi thứ theo cách mà Đức làm là nước láng giềng Pháp: hai bên đã ký kết một thỏa thuận, theo đó ​​Pháp sẽ đưa khí đốt sang Đức và Đức đưa điện trở lại cho nước này. Tuy nhiên, các nước láng giềng còn lại của Đức vẫn miễn cưỡng trong các thỏa thuận đoàn kết với nền kinh tế lớn nhất - và hiện đang dễ bị tổn thương nhất của EU.

Ngay cả vào những thời điểm tốt nhất, việc ra quyết định ở Liên minh châu Âu cũng mất khá nhiều thời gian. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được: việc để 27 quốc gia với lợi ích quốc gia của tiêng họ đồng ý về một hướng hành động chung thường là một thách thức và cần phải có những thỏa hiệp.

Lần này, có rất ít không gian để thỏa hiệp và thậm chí ít thời gian hơn để thiết lập một quá trình hành động. Thỏa thuận về giới hạn giá khí đốt dường như là điều không được thảo luận nếu EU muốn tiến nhanh. Điều duy nhất còn lại có thể được thỏa thuận nhanh chóng sẽ là sự can thiệp vào thị trường năng lượng để giới hạn giá vì giới hạn tiêu thụ sẽ là một thách thức để thương lượng.

Ông Marco Mensink, Tổng giám đốc của hiệp hội công nghiệp hóa chất châu Âu Cefic cho biết, được Bloomberg dẫn lời vào tuần trước: “Đây không phải là thời điểm để tranh luận về thị trường năng lượng. Tình hình rất đáng báo động - đây là về tương lai của ngành công nghiệp ở châu Âu. Các công ty đang ngừng sản xuất khi chúng ta phát biểu, và với những mức giá này, họ sẽ không mở cửa trở lại".

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM