Là thành viên quan trọng nhất của OPEC và là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất trên thế giới, Ả-rập Xê-út thường có tầm ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, trong năm qua, “gã khổng lồ” dầu mỏ đã và đang phải đối phó với các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của họ: sản lượng đá phiến của Mỹ tăng, sự gian lận cũng như không tuân thủ của thành viên trong OPEC, nhu cầu không chắc chắn và thừa cung kéo dài liên tục đã giữ giá dưới 50 USD/thùng.
Bây giờ, nhiều câu hỏi đang được nêu ra về động thái tiếp theo của Riyadh: IPO của Saudi Aramco, công ty dầu lớn nhất và có giá trị nhất của thế giới, mà Hoàng tử Mohammed bin Salman từng định giá 2 nghìn tỷ USD.
Các nhà phân tích đã nghi ngờ tính xác thực dự tính chính thức của Saudi, với định giá của bên thứ ba thấp hơn nhiều. Tờ Financial Times ước tính công ty này có giá trị từ 880 tỷ USD đến 1,1 nghìn tỷ USD; trong khi hồi tháng 3, Bloomberg nghĩ rằng giá trị IPO sẽ gần 1 nghìn tỷ USD. Rystad Energy dự đoán 1,4 nghìn tỷ đô la, nhưng chỉ khi giá dầu phục hồi 75 đô la một thùng.
Với giá dầu trì trệ và quyết định mở rộng cắt giảm sản xuất gần đây của OPEC có một sự tác động không đáng kể đến sự lạc quan của thị trường, áp lực lớn hơn đang được đặt lên đợt IPO lần này.
Thái tử và những người ủng hộ ông trong chính phủ Ảrập Xêút đang đánh cược rằng IPO có thể cung cấp những đợt bơm vốn đầu tiên vào quỹ tài sản có chủ quyền khổng lồ, quỹ này sẽ cung cấp cơ sở tài chính cho “Tầm nhìn 2030”, một dự án phát triển kinh tế dài hạn.
Đó là niềm hy vọng của Thái tử và những người khác rằng Saudi Aramco sẽ dần dần được tư nhân hoá và nền kinh tế Saudi rút khỏi sự phụ thuộc hiện nay vào ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn cung cấp 70% doanh thu cho chính phủ Ả Rập Saudi (khi giá ở mức cao nhất, dầu chiếm hơn 90 phần trăm).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm suy giảm vai trò của Aramco trong xã hội Ả-rập Xê-út, vốn rất lớn. Theo phân tích của Financial Times, việc loại bỏ các hoạt động kinh doanh phi dầu mỏ có thể bảo tồn giá trị của công ty trước đợt IPO lớn vào năm tới.
Nhà nước Saudi Arabia đã có những động thái khác để giữ giá trị của Aramco vào lúc giá trì trệ. Đầu năm nay, Riyadh đã giảm thuế cho công ty, từ 85% xuống 50%, nhằm cải thiện khả năng sinh lời của Aramco. Điều này khuyến khích các nhà phân tích như Rystad tăng dự toán về giá trị của công ty.
Cạnh tranh giữa thị trường chứng khoán New York và London đã trở nên khốc liệt, sàn nào cũng đều mong muốn có được vụ IPO lớn nhất trong lịch sử. Tuần trước, đã có nhiều tin đồn rằng sự chia rẽ ngày càng tăng lên ở Riyadh về việc chọn trung tâm tài chính nào là tốt nhất để quản lý đợt IPO khổng lồ này, với nhiều khuyến cáo về các vụ kiện tụng ở Mỹ và quy định tài chính của Anh làm các nhà quản lý Ả Rập ngập ngừng. Tại thời điểm này, nhiều khả năng London sẽ giành chiến thắng, nhưng vẫn chưa chắc chắn, nhất là khi tình trạng của trung tâm tài chính Anh đang trong tình trạng bất ổn trước các cuộc đàm phán Brexit, sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.
Trong trường hợp Mỹ được chọn, Riyadh tỏ ra thận trọng về các điều luật thay đổi, cho phép các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 dễ dàng khởi kiện chính phủ Ả Rập. Một số lượng lớn những kẻ khủng bố có liên quan đến việc gây ra các cuộc tấn công là người Saudi. Việc mở lại những vụ kiện tụng như vậy là một lý do thuyết phục Riyadh tìm kiếm nơi khác.
Để đẩy mạnh việc cắt giảm sản xuất của OPEC và cố gắng thay đổi thị trường một lần nữa, Ả-rập Xê-út đã cắt giảm xuất khẩu sang Mỹ và có kế hoạch giảm vận chuyển tới khách hàng ở Châu Á. Việc giảm xuất khẩu tới Mỹ là một sự đáp trả trực tiếp trước tồn kho của Mỹ cao hơn so với mức trung bình dai dẳng, mà Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih tin rằng điều này đang cản trở giá tăng. Saudi dự kiến giảm tiêu thụ dầu trong nước, bằng cách chuyển đổi sản xuất điện từ dầu sang khí đốt tự nhiên, cũng như trong chiến lược giảm sản lượng dầu của Riyadh.
Giống như tất cả các thành viên OPEC khác và các nhà sản xuất dầu, Saudi Arabia sẽ được hưởng lợi từ giá cao hơn. Tuy nhiên, quyết tâm đẩy giá càng sớm càng tốt, đặt mục tiêu tới các yếu tố ngắn hạn như tồn kho của Mỹ với các chiến lược cụ thể, hàm ý tính cấp bách trong suy nghĩ của Saudi. Quốc gia này cần giá cao hơn trong năm tới để hỗ trợ IPO của Aramco.
Quyết định duy trì cắt giảm sản xuất hồi tháng 5 có liên quan tới IPO của Ả-rập Xê-út, cũng như việc không thúc đẩy thỏa thuận sản xuất trong giai đoạn 2014-2015 là một sản phẩm của chiến lược Ảrập Xêút nhằm bóp nghẹt sự cạnh tranh.
Nghịch lý là nếu kế hoạch “Tầm nhìn 2030” thành công và nền kinh tế Ả-rập Xê-út không dựa vào sản xuất dầu trong khi sự hiện diện của Aramco trong xã hội Ả-rập Xê-út bị giảm sút thì sự cấp bách để thay đổi giá có thể giảm xuống, khi Saudi Arabia đa dạng hóa. Nhưng trong ngắn hạn, tầm quan trọng của việc IPO vào năm tới đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong việc Ảrập Xêút đang bắt đầu giải quyết tình trạng dư cung hiện nay như thế nào.
Nguồn tin: xangdau.net