Chính phủ Syria hôm 15/4 đã công bố các biện pháp mới nhằm hạn chế tình trạng thiếu xăng dầu mà chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cho là do các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây gây ra.
Việc nhập khẩu xăng dầu ở Syria hoàn toàn do Chính phủ Damascus phụ trách. Nhưng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột năm 2011, Damas phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc từ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Người dân xếp hàng chờ đổ xăng ở Damas
Ở Damascus, tình trạng thiếu xăng dầu đã trở nên nghiêm trọng trong những ngày gần đây. Vào ngày 15/4, cơ quan thông tấn chính thức Sana công bố một loạt các biện pháp được Hội đồng Bộ trưởng thông qua.
Theo đó, Chính phủ Damas quyết định giảm một nửa lượng xăng dầu phân bổ cho các tổ chức công cộng, thiết lập các điểm phân phối di động và mở lại các trạm xăng dầu đã đóng cửa trước đó.
Các nhà chức trách đang tìm cách "điều tiết việc phân phối tại các trạm xăng, có tính đến mật độ dân số ở tất cả các vùng", để đảm bảo phân phối công bằng, nhưng cũng để "ngăn chặn tình trạng lãng phí và buôn lậu", theo Sana.
Bộ Dầu khí Syria hồi đầu tháng 4 đã tuyên bố về việc giảm hạn ngạch xăng dầu được trợ cấp phân phối cho người dùng.
"Các biện pháp trừng phạt kinh tế" nhắm vào lĩnh vực nhiên liệu và "ngăn chặn các tàu chở dầu tới Syria" là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay, Bộ Dầu khí Syria cho biết trên trang Facebook của mình, tuy nhiên bộ này cũng hứa sẽ giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu trong những ngày tới.
Thủ tướng Syria Emad Khamis mới đây đã đề cập đến việc dừng cung cấp dầu từ Iran, vì Tehran là đối tượng bị trừng phạt của Mỹ. Ông Khamis cũng giải thích rằng các tàu chở dầu cung cấp nhiên liệu cho Syria không còn được phép sử dụng kênh đào Suez trong 6 tháng nữa.
Trong những tháng gần đây, tình trạng thiếu nhiên liệu đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân Syria. Trước chiến tranh, quốc gia này khá thoải mái về năng lượng. Nhưng kể từ năm 2011, ngành dầu khí của nước này đã chịu thiệt hại ước tính lên tới 74 tỷ USD, trong khi các mỏ dầu chính vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Damas.
Liên Hợp Quốc ước tính cuộc nội chiến ở Syria từ năm 2011 đến nay đã làm nước này thiệt hại khoảng 400 tỷ đôla (345 tỷ euro).
Nguồn tin: petrotimes.vn