Sự thích ứng rộng rãi của động cơ đốt trong vào đầu thế kỷ 20 đã đẩy dầu trở thành mặt hàng quan trọng nhất thế giới. Các nước giàu tài nguyên như Nga là những người được hưởng lợi từ trật tự năng lượng toàn cầu mới. Tiền thân của Nga, Liên Xô và Đế quốc Nga, vốn đã là một trong những nhà sản xuất dầu đầu tiên và quan trọng nhất vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ngành dầu khí của nước này đang đối mặt với những thách thức để duy trì mức sản xuất hiện tại.
Mặc dù Nga đứng thứ 8 về trữ lượng dầu đã được xác minh, nhưng đây là nước sản xuất lớn thứ hai với 11,2 triệu thùng mỗi ngày. Mỹ sản xuất nhiều hơn với trung bình 12 triệu thùng/ngày vào năm 2019. Dù dự trữ đã được xác minh của Nga ít hơn gần 70% so với Ả Rập Saudi, nhưng lại tương đương khi nói đến sản lượng. Tuy nhiên, phần lớn dầu của nước này có nguồn gốc từ các mỏ nâu (brownfields là những mỏ đang chuyển sang giai đoạn cạn kiệt, sản lượng liên tục suy giảm) ở Tây Siberia vốn đã hoạt động trong nhiều thập kỷ. Do đó, các công ty năng lượng của Nga đang áp dụng các công nghệ mới để giảm tốc độ suy giảm.
Mặc dù Moscow đã để mắt đến Bắc Cực để mở ra những biên giới mới, nhưng phần lớn các hoạt động vẫn ở Tây Siberia. Do đó, sản lượng đang sụt giảm là mối đe dọa lớn đối với sự bền vững cho sản xuất dầu của cả nước. Một vài công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước đã đạt tốc độ suy giảm thấp hơn đáng kể bằng cách áp dụng các kỹ thuật như kéo dài đường kính giếng khoan, khoan sang một bên để khôi phục tính toàn vẹn của giếng khoan và sử dụng công nghệ thủy lực bẻ gãy.
Các công ty như Yuganskneftegaz và Purneftegaz (cả hai đều là công ty con của Rosneft) và Surgutneftegas đã giảm tỷ lệ suy giảm xuống khoảng 2% so với mức trung bình 5-6% trên cả nước và 10-15% ở Tây Siberia.
Bất chấp những khó khăn mà ngành dầu mỏ của Nga đang phải đối phó về lâu dài, nước này dự kiến sẽ tăng nhẹ công suất sản xuất trong ngắn hạn. Khi tính đến việc đưa vào vận hành các mỏ dầu mới và tốc độ cạn kiệt chậm hơn, quốc gia này có thể sản xuất 11,35 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận OPEC+ có thể có tác động tiêu cực.
Những mối đe dọa đang dần lộ diện
Về lâu dài, nhiều thứ phụ thuộc vào giá dầu. Moscow không hề che giấu tham vọng tăng sản lượng ở Bắc Cực. Khí hậu khắc nghiệt và thiếu cơ sở hạ tầng là những trở ngại đối với các dự án năng lượng mới trong khu vực này. Nó cũng làm tăng chi phí cho các nhà đầu tư. Do đó, giá dầu cao là một điều cần thiết để đảm bảo lợi nhuận.
Hơn nữa, Moscow vẫn phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây do sự can thiệp của họ vào Ukraine. Điều này đã làm giảm sự sẵn có của các bí quyết công nghệ mà trước đây được cung cấp bởi các công ty năng lượng phương Tây như Shell, Exxon và Total. Mặc dù các công ty năng lượng của Nga có thể khoan độc lập ở một số khu vực nhất định, nhưng họ không thể sao chép các công nghệ khoan tiên tiến cho các mỏ dầu khó tiếp cận. Do đó, phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc liệu những công ty này có thể xây dựng các bí quyết cần thiết trong những năm tới hoặc tiếp cận công nghệ phương Tây nhờ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hay không.
Cuối cùng, Moscow đang mở rộng các ưu đãi thuế để cải thiện các điều kiện tài chính cho các công ty để thúc đẩy hoạt động của họ. Theo Bộ Năng lượng Nga, năm 2018, một nửa số dầu của nước này được miễn thuế. Mặc dù rõ ràng là điều này cần thiết đối với một số khu vực, nhưng Moscow đang hành động một cách dè dặt để thực hiện các biện pháp tương tự ở những khu vực khác vì nó làm giảm doanh thu của chính phủ.
Tính toán chiến lược
Việc duy trì vị thế là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới phục vụ hai mục tiêu của Moscow. Trước hết, việc xuất khẩu dầu và khí đốt làm tăng ngân sách kho bạc nhà nước. Khoảng 40% ngân sách nhà nước Nga được cung cấp bởi ngành dầu khí. Ngoài ra, tầm quan trọng chiến lược của đất nước được tăng cường và một vị thế được đảm bảo bằng cách duy trì vị trí là một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới. Thỏa thuận OPEC + được thực hiện nhờ mối quan hệ tốt đẹp giữa Riyadh và Moscow đã được phản ánh trong các lĩnh vực lợi ích khác như Syria và các hợp đồng vũ khí.
May mắn thay cho Nga, nước này sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới vốn được coi là nhiên liệu bắc cầu quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới một tương lai bền vững hơn. Nước này vốn đã là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới với các kế hoạch tăng đáng kể sản lượng LNG. Bất chấp những lực cản, Moscow sẽ vẫn là một phần không thể thiếu và quan trọng của chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu trong tương lai gần.
Nguồn tin: xangdau.net