Việc Nga xâm lược Ukraine đã đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014, nhưng giá đã tăng cao hơn trước cuộc xâm lược do các nhà sản xuất và lọc dầu chậm đáp ứng nhu cầu hậu COVID. Giá năng lượng và lạm phát tăng cao đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện có vẻ không thể tránh khỏi do các chính sách thắt chặt tiền tệ tích cực, giá dầu diesel và xăng cao kỷ lục, và do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine – tạo thêm áp lực lên giá lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các lệnh cấm vận đối với dầu của Nga ở phương Tây đang làm thắt chặt hơn nữa thị trường nhiên liệu toàn cầu, trong khi công suất lọc dầu trên toàn thế giới hiện thấp hơn khoảng 3 triệu thùng/ngày so với trước đại dịch.
Các nhà phân tích đã bắt đầu cảnh báo rằng thời kỳ giá dầu tăng vọt thường đi trước hầu hết các cuộc suy thoái trong nửa thế kỷ qua.
Khả năng suy thoái đã tăng lên, nhưng một hệ quả như vậy không phải là kịch bản cơ bản của nhiều nhà phân tích và ngân hàng đầu tư, những người nói rằng suy thoái không phải là không thể tránh khỏi.
Về lý thuyết, giá nhiên liệu cao kỷ lục và suy thoái kinh tế hoặc kinh tế trì trệ sẽ dẫn đến tăng trưởng nhu cầu dầu thấp hơn thông qua sự phá hủy nhu cầu và làm chậm lại hoạt động kinh tế. Trên thực tế, nhu cầu bị dồn nén sau COVID, du lịch vào mùa hè và tăng lương có thể trì hoãn sự phá hủy nhu cầu từ phía người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển, bao gồm ở Hoa Kỳ.
Thêm vào đó là sự thiếu hụt công suất dự phòng toàn cầu trong cả sản xuất dầu và lọc dầu, và trật tự thế giới mới trong dòng chảy thương mại dầu sau khi Nga xâm lược Ukraine, và giá dầu có vẻ được hỗ trợ tốt trong ngắn và trung hạn.
Các nhà kinh tế và các tổ chức quốc tế khác nhau, bao gồm OPEC, đã điều chỉnh hạ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cho năm nay và năm sau, nhưng họ vẫn kỳ vọng nhu cầu dầu tăng sẽ sớm vượt mức trước đại dịch và không có tình huống suy thoái như kịch bản cơ sở.
Chẳng hạn như, Ngân hàng Thế giới vào tuần trước, cho biết cuộc chiến đã làm tăng tốc độ suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang bước vào giai đoạn có thể trở thành một thời kỳ kéo dài của tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng, làm tăng nguy cơ lạm phát đình trệ. Ngân hàng Thế giới hiện dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 2,9% vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% được dự đoán vào tháng 01.
Chắc chắn là, việc dự đoán xu hướng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu khi xảy ra chiến tranh ở châu Âu lần đầu tiên kể từ Thế chiến II tự nó là một điều không chắc chắn. Nhưng những hoàn cảnh bất thường của thị trường dầu toàn cầu có thể dẫn đến kết quả là giá dầu sẽ không giảm mạnh ngay cả khi EU và/hoặc Hoa Kỳ về mặt kỹ thuật bước vào một cuộc suy thoái.
Nhu cầu xăng ở Hoa Kỳ vẫn mạnh mặc dù giá cao kỷ lục, đạt mức trung bình trên toàn quốc là 5 USD/gallon vào tuần trước.
Andrew Gross, phát ngôn viên của AAA cho biết: “Dựa trên nhu cầu mà chúng ta đang chứng kiến, có vẻ như giá cao không thực sự làm nản lòng các tài xế. Nếu giá duy trì ở mức hoặc trên 5 USD, chúng ta có thể thấy mọi người bắt đầu thay đổi thói quen lái xe hàng ngày hoặc lối sống của họ, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.”
Patrick De Haan, người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu tại ứng dụng tiết kiệm nhiên liệu GasBuddy, cho biết vào đầu tuần này rằng “Nhu cầu xăng, mặc dù đang tăng theo mùa, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các kỷ lục trước đó, nhưng vẫn ấn tượng khi giá ở tất cả các bang ở mức cao kỷ lục. Nếu sự gia tăng giá cuối cùng bắt đầu làm chậm sự gia tăng của nhu cầu, chúng ta có thể thấy việc này cần một thời gian, nhưng hiện tại, có vẻ như người Mỹ đang chứng tỏ khả năng kiên cường trước mức giá cao kỷ lục".
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất hôm thứ Ba, OPEC giữ nguyên ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2022 ở mức 3,4 triệu thùng/ngày so với nhu cầu năm 2021.
OPEC cho biết: “Tiêu dùng vẫn mạnh, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến, với sự phục hồi tiếp tục được dự báo, đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực dịch vụ tiếp xúc nhiều, bao gồm hoạt động du lịch và vận tải, giải trí và khách sạn”. Tuy nhiên, OPEC cảnh báo các rủi ro giảm giá đáng kể, bao gồm chiến tranh ở Ukraine, COVID, lạm phát tăng cao, các vấn đề chuỗi cung ứng trầm trọng hơn, mức nợ quốc gia cao ở nhiều khu vực và chính sách thắt chặt tiền tệ dự kiến của các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, và Khu vực Châu Âu.
“Một khi kỳ nghỉ hè kết thúc, vẫn còn phải xem lạm phát ở mức độ nào, tức là chi phí sinh hoạt tăng, thắt chặt tài chính và bất ổn địa chính trị gia tăng, làm giảm động lực tăng trưởng vào cuối năm. Áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục và nó vẫn chưa chắc chắn về thời điểm các vấn đề địa chính trị có thể được giải quyết. Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ được dự báo ở mức tốt trong nửa cuối năm nay”, OPEC cho biết.
Nguồn tin: xangdau.net