Sự lạc quan được cho là quay trở lại thị trường dầu mỏ, khi nhóm Nghiên cứu Toàn cầu tại Bank of America nâng dự báo giá dầu cho năm nay và năm tới với nhu cầu phục hồi từ việc nới lỏng phong tỏa, thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC + và các nhà sản xuất cắt giảm chi tiêu vốn. Ngân hàng này dự báo dầu thô Brent trung bình 43,70 đô la / thùng vào năm 2020, tăng so với ước tính 37 đô la trước đó. Năm 2021 và 2022, ngân hàng dự báo giá trung bình lần lượt là 50 và 55 USD một thùng. BofA cũng dự báo rằng “mô hình tồn kho giảm trên hầu hết các khu vực sẽ xuất hiện khi chúng ta bước sang nửa cuối năm 2020. Do đó, chúng tôi kỳ vọng đường cong dầu thô Brent sẽ quay trở lại backwardation vào cuối năm”. Tuy nhiên, công ty tư vấn Rystad Energy của Na Uy đã cảnh báo rằng nguy cơ giảm giá ở các thị trường dầu mỏ vẫn còn rất nhiều. Trong hội thảo trực tuyến hàng tuần của hãng Rystad, Giám đốc thị trường dầu, Bjornar Tonhaugen tuyên bố rằng “hợp đồng tương lai Brent đang chịu áp lực sáng nay khi các trader giá xuống bán dưới 40 đô la Mỹ, đây là một sự nhắc nhở rằng không phải tất cả đều tốt trên thị trường”. Ông cũng chỉ ra rằng trong khi các nhà phân tích chính thống lạc quan và nhìn thấy sự phục hồi cũng như tiềm năng tăng giá của dầu mỏ, thì thực tế trong ngắn hạn còn lâu mới chắc chắn.
Khi nhìn vào bức tranh mơ hồ hiện đang được vẽ bởi các tin tức, bài viết và sự kiện, kết luận thực sự duy nhất có thể được rút ra là sự tăng giá liên tục chưa dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Sự gia tăng nhu cầu liên tục, như được thể hiện trong một số phân tích ở châu Á, không dựa trên nhu cầu phục hồi của người tiêu dùng hoặc ngành dầu khí, mà phần lớn là do các nhà máy lọc dầu đang tận dụng giá dầu tương đối thấp. Việc sử dụng dầu trong kho để sản xuất ra các sản phẩm dầu là một hiện tượng kinh tế bình thường, để chuẩn bị cho việc có được các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong tương lai đồng thời tạo không gian tích trữ bổ sung cho hàng nhập khẩu mới.
Nhìn chung, sự lạc quan nên được tiết chế, vì vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu cải thiện thực sự nào ở các khu vực kinh tế lớn, đặc biệt là ở Mỹ và EU, cho thấy một sự chuyển biến về lại nền kinh tế tiền coronavirus. Các nhà phân tích và nhà đầu tư thị trường dầu dường như quên mất rằng các số liệu kinh tế hiện tại, vốn đã vô cùng tồi tệ, có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Khi nhìn vào tình hình kinh tế ở khu vực Eurozone và EU nói chung, các số liệu kinh tế tích cực phần lớn là nhờ sự hỗ trợ tài chính của chính phủ và sẽ xấu đi khi sự hỗ trợ đó bị cắt giảm. Các gói kích thích hiện tại không bền vững, mức độ phá sản và sa thải cao được dự báo trước khi kết thúc mùa hè.
Xương sống kinh tế của các ngành công nghiệp lớn ở châu Âu, như ô tô, hàng không, du lịch và thậm chí là sản xuất, đang phải đối mặt với một vài năm ảm đạm và rất không an toàn. Nhu cầu dầu thô và các sản phẩm dầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng cao được dự báo trở thành hiện thực. Mỹ và các thị trường lớn khác không có vẻ tốt hơn. Các gói kích thích hiện tại của Mỹ đang hỗ trợ một số lĩnh vực của nền kinh tế, trong khi các con số thất nghiệp cao lịch sử sẽ dẫn đến việc tịch thu, nợ tín dụng cao hơn và không trả được nợ vay mua ô tô, v.v. Nhu cầu dầu thô, tại thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới, dường như đang hướng tới sự sụt giảm mạnh.
Các con số của châu Á, được một số bên trình bày có vẻ như là có triển vọng, một lần nữa khó có thể đáp ứng kỳ vọng. Số liệu sản xuất và tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã là một chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trước đại dịch toàn cầu, và bây giờ nó sẽ phải chịu tác động từ nhu cầu thấp hơn trong thương mại cũng như các xung đột chính trị có thể xảy ra. Cùng với các cuộc chiến thương mại, sự miễn cưỡng của EU để giữ sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, và cuộc đấu tranh tiếp tục để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế nội bộ, báo trước điềm gỡ cho gã khổng lồ châu Á. Nhu cầu các sản phẩm dầu của Trung Quốc đã giảm và sẽ tiếp tục giảm nếu các khách hàng chính của họ (E.U và Mỹ) bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Ngay cả trong chính thị trường dầu giao ngay, dường như sự lạc quan cũng đang bị đặt không đúng chỗ. Việc cắt giảm sản lượng của OPEC + đang được duy trì, nhưng mức độ tuân thủ dưới 90%, điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất chính vẫn đang tấn công thị trường với khối lượng dầu bổ sung không mong muốn. Ả Rập Saudi, UAE và Kuwait đang tuân thủ các cam kết của họ, nhưng Iraq và các nước khác đang gặp khó khăn. Đồng thời, một chiến lược cắt giảm sản xuất kéo dài không còn bền vững đối với một số nhà sản xuất vì nền kinh tế của họ đang trong tình trạng hỗn loạn, và tình trạng bất ổn đang diễn ra. Các nhà sản xuất ngoài OPEC cũng đang tìm kiếm một lối thoát và Nga đã chỉ ra rằng họ không nghĩ đến lựa chọn dài hạn cho việc cắt giảm sản lượng. Sản xuất dầu của Mỹ, vốn bị ảnh hưởng bởi cả COVID và cuộc chiến giá dầu OPEC +, hiện đang gặp khó khăn nhưng có khả năng hoạt động trở lại nhanh chóng. Nếu giá dầu vẫn trong phạm vi 35 - 40 USD / thùng, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện trở lại của một số công ty đá phiến và khối lượng bổ sung (không mong muốn) trên thị trường. Hơn nữa, khối lượng dầu thô dự trữ trên toàn cầu vẫn còn ở mức cao lịch sử. Các dự báo lạc quan về khối lượng dầu dự trữ sụt giảm của tuần trước có thể chỉ xảy ra một lần. Thực tế là vẫn còn quá nhiều dầu, nhưng kho dự trữ chiến lược đang được sử dụng để cải thiện số liệu lưu trữ.
Một lý do khác để chúng tôi cho rằng triển vọng quá lạc quan đó là chiến lược lợi nhuận của các công ty hạ nguồn đã dẫn đến khối lượng sản phẩm lưu trữ cao hơn, vì nhu cầu sản phẩm thấp. Điều này có thể được nhìn thấy trong các kho dự trữ dầu thô của Mỹ được báo cáo là đã tăng hơn dự kiến, làm tăng thêm lo lắng về tình trạng thừa cung. Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) báo cáo rằng tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 1,7 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự đoán tăng 300.000 thùng của các nhà phân tích. Tuy khối lượng sản phẩm cho thấy tồn kho giảm, nhưng sự lạc quan ở đây dựa trên thực tế là mức tiêu thụ nhiên liệu đang tăng lên khi một số nền kinh tế nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Khi nhìn vào những con số thực tế, nhu cầu về sản phẩm vẫn thấp hơn con số bình thường trong cùng thời gian năm ngoái. Một mối lo ngại lớn khác là Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, cũng được dự báo sẽ chậm nhập khẩu dầu thô trong quý thứ ba, sau khi mua nhiều kỷ lục trong những tháng gần đây, vì giá dầu cao hơn làm giảm bớt đến nhu cầu và các nhà máy lọc dầu lo lắng về sự bùng phát virus thứ hai.
Nhìn vào các nguyên tắc cơ bản, kết hợp với tình trạng bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng trên toàn cầu, không có lời biện minh thực sự nào cho sự lạc quan của thị trường dầu mỏ vào năm 2020. Cả mùa hè và mùa thu năm 2020 sẽ là giai đoạn biến động của thị trường dầu mỏ, suy thoái kinh tế có thể xảy ra với một cường độ chưa rõ, làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, sự lạc quan nên dành cho năm 2021. Các khoản đầu tư thấp ở thượng nguồn, kết hợp với tình trạng bất ổn mới tiềm ẩn ở Trung Đông-Bắc Phi (Libya-Iraq) hay sự ra đi của các công ty suy yếu ở thượng nguồn, sẽ dẫn đến khủng hoảng nguồn cung. Bên dưới màn sương mù của các cuộc thảo luận về nhu cầu hiện tại và sự lạc quan giả tạo về tăng trưởng kinh tế của châu Á và các khu vực khác, có một cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ hình thành mạnh mẽ trên thị trường. Năm 2021 dầu và khí đốt sẽ trở lại bằng một tiếng vang lớn, khi chúng ta chuyển từ một thị trường hướng theo nhu cầu sang một thị trường do cung dẫn dắt. Giá sẽ tăng, ngay cả với một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng doanh thu sẽ được phân phối cho những công ty quyền lực mới mà sẽ thay thế cho lĩnh vực dầu khí thượng nguồn Mỹ-Châu Âu hiện tại. Giá dầu thô Brent trung bình trên 40 đô la / thùng là điều đáng mơ ước vào năm 2020. Chúng ta có thể chứng kiến sự tăng vọt, nhưng các nguyên tắc cơ bản chung đang cho thấy phạm vi phổ biến là 30- 34 USD thay vì 40-45 USD.
Nguồn tin: xangdau.net