Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sự chuyển đổi lớn nhất về dòng chảy của dầu kể từ những năm 1970

Sự chuyển đổi lớn nhất về dòng chảy thương mại dầu kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập những năm 1970 đang diễn ra — và mọi thứ có thể không bao giờ trở lại bình thường. Việc Nga xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Nga đang làm thay đổi các tuyến đường thương mại dầu toàn cầu. Trong gần 5 thập kỷ qua, dầu ít nhiều chảy tự do từ bất kỳ nhà cung cấp nào đến bất kỳ khách hàng nào trên thế giới, ngoại trừ các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela trong những năm gần đây.

Sự giao thương năng lượng tự do này hiện đã kết thúc, sau sự gây hấn của Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây sau đó, cộng với quyết định không thể đảo ngược của châu Âu trong việc cắt đứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bằng bất cứ giá nào.

Một cuộc chiến tranh lạnh mới trên thị trường dầu mỏ

Một ‘Bức màn sắt’ mới hiện đang làm đảo lộn dòng chảy của dầu khi châu Âu chuyển hướng sang Mỹ, Trung Đông và châu Phi (và về cơ bản là tất cả những nước ngoài Nga) cho nguồn cung dầu. Tuần trước, EU đã thông qua một gói trừng phạt để ngừng việc nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga trong vòng sáu tháng và các sản phẩm dầu của Nga trong vòng tám tháng.

Trong một biện pháp sâu rộng hơn trong gói trừng phạt, EU cũng cấm các công ty EU bán bảo hiểm và cung cấp tài chính cho việc vận chuyển dầu của Nga đến các nước thứ ba sau khoảng thời gian chuẩn bị 6 tháng.

Vương quốc Anh cũng chuẩn bị tham gia lệnh cấm bảo hiểm sau khi Anh và Liên minh châu Âu được cho là đã đồng ý cùng nhau ngăn chặn quyền tiếp cận bảo hiểm hàng hóa dầu của Nga. Vương quốc Anh là quê hương của câu lạc bộ các công ty bảo hiểm chiếm 95% thị trường bảo hiểm vận chuyển dầu toàn cầu.

Động thái này dự kiến ​​sẽ khiến việc vận chuyển dầu của Nga đến các quốc gia sẵn sàng mua dầu của họ, chủ yếu là ở châu Á, trở nên khó thu xếp hơn xét về phạm vi trách nhiệm và có thể khiến người mua ở Ấn Độ và Trung Quốc yêu cầu giảm giá dầu thô của Nga thậm chí xuống thấp hơn nữa so với chuẩn Brent. Loại dầu Urals hàng đầu từ Nga đang được bán với giá thấp hơn 30 đô la so với Brent vào những ngày này.

Chuyển đổi tuyến đường giao dịch

Vào cuối năm nay, châu Âu dự kiến ​​sẽ cấm 90% tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga trước chiến tranh. Lệnh cấm vận và tự trừng phạt đã và đang làm đảo lộn lưu lượng tàu chở dầu trên toàn cầu. Thay vì đi hai hoặc ba tuần từ các cảng Baltic của Nga đến Hamburg hoặc Rotterdam, các tàu chở dầu của Nga giờ đây phải mất tới hai hoặc ba tháng để đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Đối với dầu đến châu Âu, dầu thô từ Trung Đông giờ đây sẽ đi một quãng đường dài hơn đến các cảng châu Âu so với các tuyến đường ngắn hơn đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Zoltan Pozsar, Giám đốc Toàn cầu về Chiến lược Lãi suất Ngắn hạn tại Credit Suisse và một cựu quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nói với tờ Wall Street Journal, những thay đổi này trong dòng chảy dầu sẽ dẫn đến chi phí bảo hiểm, vận tải biển và tài chính cao hơn. Giao thương năng lượng đắt đỏ hơn - do sự kết thúc của thương mại tự do chỉ dựa trên các tín hiệu thị trường về cung, cầu và giá cả - có thể đặt hàng hóa vào trung tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp theo, Pozsar nói với tờ Wall Street Journal.

Người thắng và kẻ thua

Đúng là Nga đang ngày càng gia tăng sử dụng việc chuyển đổi tàu để đưa dầu thô từ các tàu chở dầu nhỏ hơn lên siêu tàu. Nước này cũng sẽ tìm cách vận chuyển dầu thô của mình theo cách mà Iran đã làm kể từ khi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được áp dụng trở lại vào năm 2018. Tuy nhiên, châu Á sẽ không thể hấp thụ tất cả lượng dầu của Nga mà trước đây được đưa sang Châu Âu, vốn là khách hàng số một của Nga trước chiến tranh.

Ấn Độ, quốc gia có truyền thống mua dầu chủ yếu từ Trung Đông, đang tăng cường mua dầu của Nga, tận dụng lợi thế từ giá dầu thô rẻ của Nga. Về phần mình, các nhà sản xuất Trung Đông dự kiến ​​sẽ cung cấp dầu nhiều hơn cho châu Âu, các nhà sản xuất châu Phi và Hoa Kỳ cũng sẽ làm như vậy.

Ấn Độ và Trung Quốc là cơ hội để Nga tiếp tục bán dầu của mình. Mặc dù Nga công khai bày tỏ sự tự tin rằng nước này sẽ có “thị trường mới” cho năng lượng của mình, nhưng các nhà phân tích hoài nghi rằng tất cả số dầu lẽ ra sẽ đến châu Âu có thể sẽ đến tay người mua ở châu Á, cũng vì các vấn đề về trách nhiệm pháp lý và các tuyến đường thương mại dầu đang thay đổi làm kéo dài thời gian vận chuyển dầu thô từ người bán đến nhà máy lọc dầu.

Đối với châu Âu, việc lựa chọn nguồn cung cấp dầu hiện mang tính chính trị, và họ sẽ sẵn sàng trả một khoản chênh lệch cao để mua được dầu không phải của Nga. Điều này sẽ làm thắt chặt các lựa chọn về nguồn cung và tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng trong nhiều tháng tới.

Bình luận về lệnh cấm vận của EU đối với nhập khẩu dầu từ đường biển của Nga, Fitch Ratings cho biết vào tuần trước:

“Lệnh cấm này sẽ có tác động đáng kể đến dòng chảy thương mại dầu toàn cầu, với khoảng 30% dầu nhập khẩu của EU cần thay thế từ các khu vực khác, bao gồm Trung Đông (Ả Rập Xê-út và UAE đã duy trì công suất sản xuất dự phòng tương ứng khoảng 2 triệu thùng/ngày và 1 triệu thùng/ngày), Châu Phi và Hoa Kỳ”.

“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng việc chuyển hướng toàn bộ khối lượng dầu và sản phẩm của Nga có thể không thực hiện được do các hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự tự hạn chế của người mua và các phức tạp về khâu hậu cần, chẳng hạn như các hạn chế tiềm ẩn trong việc cung cấp bảo hiểm cho tàu chở dầu của Nga. Do đó, chúng tôi ước tính rằng khoảng 2 đến 3 thùng dầu xuất khẩu của Nga mỗi ngày, tương đương khoảng 1/4 sản lượng dầu của quốc gia này, có thể biến mất khỏi thị trường toàn cầu vào cuối năm 2022”, Fitch lưu ý.

Trong trật tự thế giới mới đối với dòng chảy thương mại dầu, có hai vấn đề chính mà thị trường và các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ và châu Âu sẽ xem xét trong thời gian tới. Đó là liệu thế giới có đủ công suất dự phòng để thay thế lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào EU hay không và những quốc gia nắm giữ công suất dự phòng — Ả Rập Xê-út và UAE — sẽ sẵn sàng khai thác công suất đó như thế nào. Theo thỏa thuận của OPEC+, sản lượng mục tiêu của Ả Rập Xê Út trong tháng 7 là 10,833 triệu thùng/ngày, nhưng Vương quốc này rất hiếm khi đạt mức sản lượng duy trì 11 triệu thùng/ngày mặc dù tuyên bố công suất là 12 triệu thùng/ngày.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM