Những lời kêu gọi được đưa ra để Iraq tăng sản lượng dầu sau khi OPEC từ chối tăng sản lượng theo yêu cầu của Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Khi xuất khẩu dầu của Iraq đạt mức cao kỷ lục, tiềm năng tăng trưởng hơn nữa là hiển nhiên. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng có thể khiến Iraq trở thành một người chơi toàn cầu lớn hơn trong ngành dầu mỏ khi các quốc gia trên toàn cầu tìm kiếm các đối tác dầu khí mới. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Ihsan Abdul Jabbar, Iraq đã bị áp lực phải tăng sản lượng dầu vào tuần trước. Jabbar tuyên bố rằng Iraq sẽ cung cấp dầu để giúp giảm bớt tác động của tình trạng thiếu hụt đang diễn ra trên toàn thế giới. Trong khi đó, OPEC vẫn bám sát kế hoạch ban đầu là nâng sản lượng trên các quốc gia thành viên lên thêm 432.000 thùng/ngày vào tháng Năm.
Iraq nắm giữ khoảng 145 tỷ thùng dầu, khiến nước này trở thành quốc gia có lượng dầu lớn thứ năm trên thế giới. Với mức sản xuất khoảng 4,4 triệu thùng/ngày, Iraq có thể giúp thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu của Nga nếu nước này có thể tăng sản lượng. Nước này hiện đang xuất khẩu phần lớn dầu thô của mình sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Mỹ. Trong khi Ấn Độ quay sang Nga để mua dầu giá rẻ trong những tuần gần đây, thì Iraq đang duy trì vai trò là nhà xuất khẩu dầu lớn cho Ấn Độ.
Và giao dịch dầu mỏ của Iraq có vẻ khả quan khi nước này công bố xuất khẩu cao nhất trong 50 năm vào tháng 3, với kim ngạch đạt 11,07 tỷ USD. Xuất khẩu tăng do lo ngại thiếu hụt từ các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với việc mua dầu của Nga. Các quốc gia trên toàn cầu đang tìm kiếm các đối tác dầu khí thay thế để đảm bảo có đủ dầu cũng như ngăn chặn đà tăng nhanh của giá dầu. Mặc dù đã giảm nhẹ trong tháng qua, nhưng Brent vẫn ở mức rất cao, gần 109 USD/thùng. Sản lượng lớn hơn có thể giúp giảm bớt một số áp lực do giá năng lượng tăng vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Iraq Ali Allawi tuyên bố rằng nước này sẽ bám sát các kế hoạch của OPEC về sản lượng, giải thích rằng "Chúng tôi không thể xuất khẩu nhiều hơn, nhưng chúng tôi chắc chắn có thể thay thế nhập khẩu các sản phẩm phụ từ dầu mỏ và khí đốt." Allawi cũng cho biết, Iraq "về cơ bản là một nước đi sau và không đặt ra chính sách trong Opec". Tuy nhiên, Opec đã là "một liên minh thành công" và sẽ "khá ngu ngốc nếu rút ra khỏi một nhóm thành công", ông nói.
Với nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp khoảng 90% thu nhập của Iraq, đây có thể là thời điểm để Iraq có chiến lược trong các kế hoạch trước mắt và trung hạn cho lĩnh vực năng lượng của mình. Trớ trêu thay, Iraq vẫn nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng, mua khí đốt tự nhiên từ Iran để đáp ứng nhu cầu điện. Nước này cũng mua nhiều sản phẩm dầu vì không có ngành công nghiệp lọc dầu vững vàng. Nước này thường xuyên bị cắt điện và cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng để cải thiện an ninh năng lượng.
Nhưng trong khi Iraq viện dẫn cam kết với OPEC như là lý do chính để không tăng sản lượng dầu thô, thì đây có thể không phải là nguyên nhân duy nhất. Iraq trước đó đã không đạt được hạn ngạch sản xuất của OPEC, giảm 130.000 thùng/ngày so với hạn ngạch của nước này vào tháng Ba. Mặc dù các mỏ dầu của Iraq có khả năng bơm hơn 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, nhưng các cơ sở tích trữ và xuất khẩu kém có nghĩa là nước này không thể đáp ứng được mức sản lượng này.
Những tắc nghẽn chính trong cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iraq đồng nghĩa với số lượng dầu mà quốc gia này xuất khẩu bị hạn chế. Hơn nữa, các vấn đề thường xuyên xảy ra tại các mỏ dầu của nước này thường có tác động đến mức sản xuất. Trong khi mỏ West Qurna 2 đã khôi phục sản xuất sớm hơn hai tuần sau khi bảo trì, các cuộc biểu tình đã khiến sản lượng ở mỏ Nassiriya vào tháng Tư bị đình trệ. Ngoài ra, Iraq đang cố gắng tăng cường xuất khẩu dầu từ các cảng vùng Vịnh ở phía nam, nhưng một số sự chậm trễ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đã khiến điều này không thể thực hiện được.
Gần đây nhất, chính phủ Iraq đã ngừng việc xây dựng đường ống xuất khẩu dầu thô 1 triệu thùng/ngày từ Iraq đến Aqaba ở Jordan. Thay vào đó, nước này đã quyết định đợi cho đến khi chính phủ tiếp theo được thành lập để thực hiện bất kỳ hành động nào khác đối với dự án. Bộ dầu mỏ tuyên bố, "Dự án vẫn đang được nghiên cứu về mặt kỹ thuật và chưa được cấp phép cũng như chưa có hợp đồng với bất kỳ bên nào được ký kết."
Ba tháng trước, chính phủ Jordan đã thể hiện sự lạc quan về việc dự án này được tiến hành. Nhưng với việc quá trình thành lập chính phủ đang đối mặt với những sự chậm trễ liên tục, không thể biết Jordan sẽ phải đợi bao lâu cho tiến độ của dự án đường ống. Nếu được tiến hành, đường ống dự kiến sẽ trị giá khoảng 8,5 tỷ USD. Nhưng không có kế hoạch tài chính rõ ràng nào được thiết lập bởi cả hai quốc gia.
Iraq hiện đang nhìn thấy tiềm năng to lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ của mình, khi các quốc gia trên thế giới tìm đến nước này để lấp đầy khoảng trống nguồn cung mà Nga để lại. Sự gia tăng xuất khẩu của Iraq có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, cam kết liên tục của nước này với OPEC, cùng với tình trạng đầu tư thiếu nghiêm trọng vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước, khiến sản lượng và mức xuất khẩu dầu thô khó có thể tăng lên.
Nguồn tin: xangdau.net