Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sự bùng nổ năng lượng tái tạo hầu như không ảnh hưởng đến dầu và khí đốt

 

Một thập kỷ trước, nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 80% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên thế giới. Trong mười năm qua, năng lượng tái tạo đã bùng nổ và các công trình lắp đặt tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục. Nhưng dầu, khí đốt và than đá vẫn chiếm hơn 80% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng, mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo đang tăng lên trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của thế giới.

Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên khắp thế giới vẫn không hề suy giảm bất chấp một loạt các cam kết không phát thải, tăng đáng kể sự hỗ trợ cho năng lượng sạch từ chính phủ các nước và việc lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió cao kỷ lục trong những năm gần đây.

Công bằng mà nói, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giảm trong mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu nói chung trong thập kỷ qua, nhưng chỉ 0,1 điểm phần trăm, từ mức 80,3% vào năm 2009 xuống còn 80,2% vào năm 2019, theo một báo cáo mới từ REN21, một tổ chức năng lượng tái tạo toàn cầu ủng hộ việc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

“Chúng tôi nhận ra một thực tế cay đắng rằng chính sách khí hậu hứa hẹn trong hơn mười năm qua hầu như chỉ là những lời nói suông. Thị phần của nhiên liệu hóa thạch trong mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng đã không dịch chuyển một inch”, Giám đốc điều hành của REN21, Rana Adib cho biết.

Đây là một suy nghĩ chín chắn đối với những người đam mê năng lượng xanh: Tại sao việc bổ sung công suất năng lượng tái tạo kỷ lục trong thập kỷ qua lại không làm giảm đáng kể việc sử dụng dầu và khí đốt trên toàn cầu?

Đây là lý do: nhu cầu năng lượng trên thế giới tiếp tục tăng, thể hiện rõ nhất ở những nước đang phát triển, nơi dân số tiếp tục tăng và số người có nhu cầu tiếp cận BẤT KỲ dạng năng lượng nào cũng đang tăng lên. Ở nhiều nước trong số đó, nhiên liệu hóa thạch là lựa chọn duy nhất để đáp ứng một phần lớn nhu cầu năng lượng gia tăng liên tục.

Nhiên liệu hóa thạch vẫn là vua

Trong khi phần lớn sự chú ý tập trung vào các cam kết và chính sách đầy tham vọng về khí hậu ở những nền kinh tế phát triển, thì các quốc gia có nhu cầu năng lượng tăng trưởng lớn nhất lại là các nền kinh tế đang phát triển. Năng lượng tái tạo đã làm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng ở đó hầu hết đều trì trệ hoặc chỉ tăng nhẹ trong thập kỷ qua. Đồng thời, những nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và châu Phi đã chứng kiến ​​nhu cầu năng lượng tăng cao, hầu hết được đáp ứng bằng dầu, khí đốt và than đá. Trường hợp điển hình - Trung Quốc, thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất, đã lắp đặt công suất điện gió kỷ lục 52 gigawatt (GW) vào năm ngoái, phá vỡ kỷ lục thế giới về công suất gió được lắp đặt trong một năm của bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử khi tăng gấp đôi số lượng lắp đặt hàng năm so với năm 2019. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã đưa công suất nhiệt điện than nhiều hơn vào năm ngoái so với phần còn lại của thế giới.

Khi xem xét sự tiêu thụ năng lượng tái tạo, các nhà phân tích có xu hướng tập trung vào sự gia tăng công suất của năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, cũng như chi phí giảm đối với pin và năng lượng mặt trời và điện gió. Họ có xu hướng bỏ qua một thực tế rằng trên toàn cầu, Thụy Điển không phải là ví dụ hoàn hảo của xu hướng năng lượng, mà chính là Đông Nam Á.

Tỷ trọng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng chỉ tăng vừa phải

Theo báo cáo của REN21, kể từ năm 2019, năng lượng tái tạo hiện đại, không bao gồm việc sử dụng sinh khối truyền thống, chiếm khoảng 11,2% năng lượng tiêu thụ cuối cùng trên toàn cầu, tăng từ 8,7% của một thập kỷ trước đó.

“Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ trong một số lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng tỷ trọng năng lượng tái tạo chỉ tăng vừa phải mỗi năm. Điều này là do nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng, việc tiếp tục tiêu thụ và đầu tư vào các nhiên liệu hóa thạch mới, và việc sử dụng sinh khối truyền thống ngày càng giảm (đã dẫn đến sự chuyển hướng sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch)”, các tác giả của báo cáo viết.

Năng lượng tái tạo đã không làm ảnh hưởng nhiều đến mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu của nhiên liệu hóa thạch mặc dù thực tế rằng việc lắp đặt năng lượng tái tạo đã và đang tăng lên trong những năm gần đây và lập kỷ lục đáng kinh ngạc vào năm 2020 ngay cả khi đối mặt với đại dịch đã làm đảo lộn mọi kế hoạch và lịch trình cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Công suất năng lượng tái tạo kỷ lục

Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho biết vào đầu năm nay, việc bổ sung công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đã vượt các ước tính trước đó và xô đổ tất cả các kỷ lục trước đó, bất chấp những cú sốc liên quan đến COVID đối với các nền kinh tế. Thế giới đã bổ sung hơn 260 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo vào năm 2020, vượt mức bổ sung năm 2019 gần 50%. Hơn 80% tổng công suất điện mới được bổ sung vào năm ngoái là năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng mặt trời và gió chiếm 91% năng lượng tái tạo mới, IRENA lưu ý.

Tuy nhiên, lĩnh vực điện, nơi năng lượng tái tạo đã thực sự phát triển trong thập kỷ qua, không phải là lĩnh vực duy nhất được tính vào tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Sự tiếp cận không bình đẳng

Trong khi các tiêu đề tập trung vào những cam kết không phát thải từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, thì khoảng cách trong khả năng tiếp cận năng lượng toàn cầu trên thế giới đã tăng lên.

“Trong thập kỷ qua, một tỷ lệ lớn dân số toàn cầu được tiếp cận với điện nhiều hơn bao giờ hết, nhưng số người không có điện ở khu vực cận Sahara, châu Phi đã tăng lên”, IRENA cho biết trong một báo cáo được công bố vào tháng này cùng với Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ (UN DESA), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

IRENA cho biết: “Trừ khi các nỗ lực được mở rộng đáng kể ở những quốc gia có thâm hụt lớn nhất, thế giới sẽ vẫn không đảm bảo được khả năng tiếp cận phổ biến đối với năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại”.

Không thể đạt được mục tiêu không phát thải ở nhiều nước đang phát triển nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, IEA cho biết trong báo cáo mà đề xuất rằng thế giới không cần đầu tư mới vào dầu và khí đốt nữa, nếu họ hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Đối với nhiều nước đang phát triển, con đường dẫn đến không phát thải mà không có sự hỗ trợ quốc tế là không rõ ràng. Cần sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để đảm bảo việc triển khai các công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng”, IEA cho biết.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM