Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sớm tháo gỡ bất cập để thực hiện đúng lộ trình

Theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1-1-2018 sẽ đưa xăng sinh học E5 RON 92 thay thế xăng khoáng RON 92. Như vậy, trên thị trường chỉ còn hai loại xăng là khoáng RON 95 và E5 RON 92. Đây không những là xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới mà còn phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng. Mặc dù thời điểm bắt đầu triển khai đã cận kề nhưng qua thực tế, vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Người tiêu dùng còn nhiều băn khoăn

Nhiên liệu sinh học được tạo ra bằng cách phối trộn cồn sinh học ethanol khan (E100) với xăng khoáng theo một tỷ lệ nhất định, là một dạng năng lượng mới có khả năng tái tạo. Các chuyên gia khẳng định, khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ phương tiện sử dụng xăng sinh học ít hơn từ việc sử dụng xăng khoáng 20%-30%. Mặt khác, sử dụng nhiện liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Ảnh minh họa.

Tính ưu việt của xăng sinh học E5 đã được kiểm nghiệm qua thực tế khi được sử dụng rộng rãi tại hơn 50 quốc gia; nhiều nước đã quy định bắt buộc ô tô phải sử dụng xăng sinh học. Philippines và Thái Lan là hai quốc gia đi đầu việc sử dụng nhiên liệu sinh học trong khối các nước ASEAN. Philippines ban hành Luật Nhiên liệu sinh học vào năm 2006, quy định bắt buộc sử dụng xăng E5 từ năm 2009, E10 từ năm 2011. Thái Lan sử dụng xăng E5 từ năm 2005, năm 2008 bắt đầu bán xăng E20 và E85, đến nay chủ yếu tiêu thụ E10. Tại Việt Nam, xăng sinh học E5 được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn các thành phố lớn từ ngày 1-12-2014 và sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1-12-2015. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 11.400 cửa hàng bán xăng dầu trên cả nước thì số cửa hàng có bán lẻ xăng E5 chỉ chiếm khoảng 11%.

Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn không ít băn khoăn, lo ngại khi hiểu biết về xăng sinh học còn hạn chế và thói quen sử dụng xăng khoáng. Hiện, tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng. Việc thay đổi nhận thức, tập quán sử dụng của người tiêu dùng với xăng sinh học là vấn đề nan giải. Cùng với đó, xăng sinh học không có nhiều nguồn cung cấp như xăng khoáng, liệu có dẫn đến khả năng độc quyền khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi? Trong khi, giá bán xăng sinh học E5 chỉ thấp hơn xăng khoáng RON 92 hơn 200 đồng/lít, chưa đủ hấp dẫn người tiêu dùng.

Cần có cơ chế bảo đảm tính ổn định của nguyên liệu

Theo tính toán của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2018, khi loại bỏ xăng RON 92 thay thế bằng E5, cả nước sẽ cần khoảng 5,5 triệu mét khối xăng E5, tương đương 275.000m3 E100. Nguồn cung cấp E100 dự kiến từ các nhà máy sẽ vào khoảng 520.000m3/năm, đủ cung cấp nhu cầu pha trộn xăng E5. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp rất nỗ lực chuẩn bị nguồn cung và hệ thống bán lẻ xăng E5. Tuy nhiên, theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Nhà nước cũng cần hỗ trợ kinh phí đối với những doanh nghiệp nhỏ để họ không bị lùi lại phía sau trong lộ trình đúng đắn mà Chính phủ đề ra, bởi chi phí cho những thay đổi về cơ sở vật chất, bồn bể, trạm phối trộn… là con số không hề nhỏ.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học như: Sắn, mía, ngô lại phụ thuộc vào thời tiết và vùng nguyên liệu nên có thể không ổn định giá cả, điều này có ảnh hưởng đến nguồn cung và giá xăng sinh học là điều mà không ít người băn khoăn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay: Brazil là nước sản xuất E100 lớn thứ hai thế giới, nhưng vào giữa năm 1989, nước này cũng thiếu nguồn cung khiến hàng nghìn xe chạy bằng nhiên liệu sinh học thiếu nhiên liệu. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá nguyên liệu sản xuất E100 là sắn từ chỗ chỉ khoảng 1.500-1.700 đồng/kg, nhưng khi nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đầu tiên đi vào hoạt động, giá sắn đã tăng lên 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 5.000 đồng/kg. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguyên liệu sản xuất E100 chủ yếu là sắn, với giá tăng cao, trong khi giá dầu thô giảm mạnh, điều này khiến cho giá thành nhiên liệu E100 của các nhà máy trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng.

Theo ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, nguyên liệu sắn chiếm tới hơn 70% giá thành E100 để phối trộn xăng E5. Vì vậy, ổn định nguồn cung sắn với giá mua hợp lý là yếu tố quyết định giá E100 của Việt Nam có thể cạnh tranh với E100 nhập khẩu. Khi nhu cầu về nguyên liệu sản xuất E100 tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào cũng sẽ tăng lên và khi đó, giá E100 của Việt Nam sẽ tăng cao hơn giá E100 nhập khẩu. Ngược lại, nếu giá nguyên liệu quá thấp, nông dân trồng sắn sẽ không có lãi, dẫn đến thu hẹp sản xuất và khiến nhu cầu nguyên liệu sản xuất E100 gặp khó khăn. Do vậy, quy định mức giá sàn và giá trần của sắn là biện pháp cần thiết để ổn định nguyên liệu cho sản xuất E100 và bảo đảm lợi ích của nông dân.

Theo ý kiến các chuyên gia và doanh nghiệp, để triển khai đúng lộ trình thay thế 100% xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5, cùng với sự đồng hành của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, đại lý triển khai phân phối, cần chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng liên kết bảo đảm nguồn cung E100 phục vụ sản xuất, phối trộn. Cùng với đó, các ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chính phủ sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ giảm giá, chiết khấu… nhằm khuyến khích tiêu dùng và bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Đồng thời, chỉ đạo các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học trong nước đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung E100 trong nước với giá bán cạnh tranh.

Nguồn tin: qdnd.vn

ĐỌC THÊM