Nhà Trắng cảnh báo các doanh nghiệp vận tải biển Trung Quốc về việc tắt sóng liên lạc để vận chuyển dầu “chui” từ Iran và việc này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran, hãng tin Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho hay.
Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu trọng yếu của quốc gia Trung Đông.
Ảnh: AFP
“Chúng tôi đã phát đi thông điệp mạnh mẽ tới các công ty vận tải biển Trung Quốc. Đừng làm điều đó (vận chuyển dầu “chui” từ Iran), nó không đáng”, một quan chức giấu tên của chính phủ Mỹ cho biết.
“Điều đó cực kỳ nguy hiểm và là hành vi vô trách nhiệm”, vị quan chức nói thêm.
Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp lệnh trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu trọng yếu của quốc gia Trung Đông này. Ông Trump siết lệnh trừng phạt lên Iran hồi tháng 5 nhằm triệt hạ doanh thu dầu mỏ của nước này về 0.
Lệnh trừng phạt nhằm dập tắt tham vọng hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, đồng thời hạ sức ảnh hưởng của Iran đối với Syria, Iraq và các quốc gia khác. Xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã lao dốc từ 2,5 triệu thùng/ngày xuống dưới 400.000.
Mỹ ngày 25/9 ra lệnh trừng phạt 5 cá nhân người Trung Quốc và 2 công ty con của Tập đoàn Vận tải COSCO của Trung Quốc vì tội cố tình mua dầu Iran.
Vài ngày sau, 14 tàu dầu của công ty vận tải COSCO Shipping Tanker (Dalian), chiếm 1/3 đội tàu của công ty này, đã ngừng gửi dữ liệu hoạt động lên hệ thống nhận diện tự động AIS trong vòng 1 tuần từ ngày 30/9 đến 7/10, theo công ty dữ liệu kiểm soát vận tải Refinitiv Eikon.
Chính quyền Mỹ cho biết đã độc lập xác nhận COSCO tắt hệ thống AIS trên đội tàu của mình.
Vẫn có 3 trong số các tàu của công ty Dalian chưa thể truy vết được. 2 tàu cỡ lớn có tên Yuan Shan Hu and Cosglad Lake đã “biến mất” cả tuần từ ngày 8-16/10, còn tàu Yang Mei Hu mất dấu từ ngày 11/10.
Trong thông cáo gửi đi bằng email, Dalian tuyên bố không tàu nào của hãng này tắt hệ thống AIS và ngừng truyền tín hiệu.
“Dalian sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của mình”, thông cáo viết.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế yêu cầu các tàu vận tải phát tín hiệu vì mục tiêu an toàn và minh bạch hoạt động. Các thủy thủ đoàn có thể tắt tín hiệu trong trường hợp nguy hiểm. Tuy nhiên, việc tín hiệu vị trí hoạt động của các tàu thường xuyên bị tắt là nhằm che đậy thông tin vị trí trong lúc hoạt động “chui”.
Hiện chưa rõ chính quyền Mỹ sẽ có biện pháp gì để ngăn các tàu dầu Trung Quốc tắt tín hiệu định vị.
Chính quyền Mỹ đã cảnh báo các doanh nghiệp vận tải biển, công ty năng lượng và các quan chức cảng biển hãy cảnh giác với các giao dịch dầu mỏ Iran và họ có thể bị trừng phạt vì các giao dịch đó.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tin rằng lệnh trừng phạt đang khiến kinh tế Iran suy thoái, một quan chức Mỹ nói.
Tuy nhiên, Iran có nhiều năm kinh nghiệm đối phó các lệnh trừng phạt. Các nhà phân tích cho rằng, Tehran đang cố gắng vùng vẫy khỏi lệnh trừng phạt và chờ thời cho đến khi bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, với hy vọng ông Trump sẽ thất cử và tổng thống mới sẽ nới tay với Iran.
Nếu không thể ngăn chặn việc mua bán dầu từ Iran, chính quyền Mỹ sẽ “soi” kỹ các hoạt động vận chuyển dầu được cho là bất hợp pháp từ Iran, một quan chức Mỹ cho hay.
Nguồn tin: baodautu.vn