Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lậu hoạt động lén lút, không treo biển hiệu nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Hơn nữa, rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương. Thực tế thì sao?
Hoạt động kinh doanh xăng dầu lén lút của một doanh nghiệp vận tải ở phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) từng bị Tiền Phong phản ánh.
“Con voi chui lọt lỗ kim”
Trong công văn gửi tới PV Tiền Phong ngày 8/1, Sở Công Thương Hà Nội cho hay, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 490 cửa hàng xăng dầu. Trong đó, có 459 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, 22 cửa hàng đã gửi hồ sơ xin cấp phép, đang trong quá trình giải quyết hồ sơ; Còn lại 9 cửa hàng đang đóng cửa không hoạt động kinh doanh để cải tạo sửa chữa hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng cho đơn vị khác.
Về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, theo Sở Công Thương, các cửa hàng phải có đầy đủ hồ sơ, như: Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) do Cơ quan Cảnh sát PCCC cấp… Riêng trong năm 2017, Sở Công Thương Hà Nội cấp phép thêm 2 cửa hàng xăng dầu (1 ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn; 1 ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì).
Đối với việc kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trái phép trên địa bàn Hà Nội trong năm 2017, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 146 vụ liên quan. Trong đó, xử lý 50 vụ, không xử lý 96 vụ; phạt tiền 1,87 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 409 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều vụ việc khi PV Tiền Phong báo, lãnh đạo Sở Công Thương vào cuộc một cách chậm chạp. PV Tiền Phong nhiều lần gửi công văn qua lại, gọi điện cho lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội về vấn đề này, nhưng phản hồi luôn bị động.
“Đá bóng” trách nhiệm
Đối với các địa điểm kinh doanh xăng dầu trái phép do Tiền Phong phát hiện, phản ánh thời gian qua (ở quận Cầu Giấy, Long Biên, huyện Thanh Trì, huyện Quốc Oai, huyện Sóc Sơn) câu hỏi đặt ra là: “Trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ở đâu?” Tại sao một số cửa hàng trước đó kinh doanh giữa thanh thiên bạch nhật, địa điểm nằm ngay giữa ngã ba đường lớn (như cửa hàng Cty Cổ phần đầu tư và thương mại dầu khí Đức Chi ở tỉnh lộ 421 và 419, thị trấn Quốc Oai) ai đi qua cũng thấy mà lực lượng QLTT không xử lý?
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra hiện tượng các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, xây dựng sử dụng các bể chứa xăng dầu để cung cấp cho các phương tiện vận tải nội bộ của doanh nghiệp. “Hoạt động này diễn ra một cách lén lút, nằm ở các bãi đất trống ít người qua lại để cấp nội bộ cho các xe vận tải của đơn vị mình, không bán ra ngoài, không treo biển hiệu nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương đối với loại hình hoạt động này”, Đại diện Sở Công Thương Hà Nội lý giải.
Trước đó, trả lời PV Tiền Phong, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng QLTT là kiểm tra, quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), sau đó mới đến an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại. Riêng để xảy ra việc kinh doanh xăng dầu trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc chính quyền địa phương, từ cấp xã – phường đến huyện – quận, ngành giao thông. “Họ thuê đất, họ quây tôn rồi dựng cây xăng trái phép trong đó, tại sao chính quyền phường, quận lại không biết? Công an phường, quản lý trật tự ở đâu? Khi chúng tôi đi kiểm tra những khu vực này bắt buộc phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương (công an, giao thông), không thể tự mình đi được. Ông phường làm gì, ông quận làm gì? Bãi đỗ xe không phép thì trách nhiệm trước hết thuộc về phường, quận (cho thuê đất), lực lượng giao thông (cho thuê làm bãi trông giữ xe)…”, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội giải thích.
Trong khi đó, lãnh đạo phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cũng đổ lỗi cho doanh nghiệp: “Tôi chưa biết mặt lãnh đạo doanh nghiệp ở đấy như thế nào. Họ không cần biết lãnh đạo phường là ai. Đến Tết cũng không tặng quyển lịch”.
Ngoài ra, một cái khó khác được Sở Công Thương Hà Nội đưa ra là theo quy định của Nghị định 83 ngày 3/9/2014 của Chính phủ, việc cung cấp xăng dầu nội bộ không được quy định là hoạt động kinh doanh xăng dầu. “Định nghĩa xăng dầu cấp nội bộ thường được dùng trong các cơ sở sản xuất. Do vậy, cần làm rõ từ cấp “sản xuất” và cấp cho nội bộ”, trích văn bản của Sở Công Thương Hà Nội.
Khi nhận được phản ánh từ báo chí và qua công tác nắm bắt địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị phối hợp. Đồng thời, sở cũng đã chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn tin: tienphong.vn