Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu

   Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 675 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (kể cả tàu thuyền và các ki ốt bán lẻ xăng dầu Diezel trên sông, trên biển và ven sông, ven lạch biển). Trong đó, có 123 cửa hàng, tàu bán lẻ xăng dầu chưa được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, tình trạng xăng dầu trôi nổi còn khá lớn...

Tồn tại nhiều cửa hàng vi phạm

Trên địa bàn huyện Anh Sơn hiện có 29 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có 27 cửa hàng đang hoạt động và 2 cửa hàng không hoạt động (DNTN Nghĩa Nhân – Lạng Sơn, DNTN Hùng Vương – thị trấn Anh Sơn). Theo cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Anh Sơn cho biết, cơ bản các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu nhiên liệu về xăng và dầu Diezen cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện.

Qua kiểm tra, có 19/29 cửa hàng ở Anh Sơn có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Công Thương cấp, còn lại các cửa hàng khác đã hết thời gian đăng ký đủ điều kiện kinh doanh và chưa đủ điều kiện cấp phép. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chủ yếu đang chung với nhà ở hoặc nằm trong khu dân cư, rất ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu độc lập.

Ở huyện Anh Sơn, các cây xăng dầu còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cửa hàng không có giấy phép xây dựng hoặc chỉ có giấy chấp thuận địa điểm kinh doanh, 1 cửa hàng xây dựng không đúng địa điểm, một số cửa hàng xây dựng trên phạm vi hành lang an toàn giao thông. Nhận thức của một số thương nhân về các quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu còn hạn chế. 


Một cây xăng chưa đủ thủ tục ở Anh Sơn. Ảnh: Huyền Trang


Ở huyện Diễn Châu, qua khảo sát có 14 cửa hàng xăng dầu tự ý xây dựng, 8 cửa hàng không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoạt động ven sông, 9 cửa hàng chưa có giấy phép xây dựng. Ông Nguyễn Văn Bá, một hộ kinh doanh dầu ở xã Diễn Ngọc (không được cấp thẩm quyền cho phép) cho biết: Gia đình chỉ bán mỗi tháng 1000 lít thôi, ngư dân lên đây lấy dầu bỏ vào can và sau đó chở xuống thuyền đi biển, gia đình đảm bảo các phương tiện phòng cháy.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch xã UBND Diễn Ngọc cho hay: Xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng và đề xuất huyện quy hoạch tại địa bàn một khu vực để các hộ kinh doanh xăng dầu (gần cảng cá Lạch Vạn) nhưng chưa có kết quả. Vừa qua, huyện Tân Kỳ đã có công văn đình chỉ hoạt động 9 cây xăng dầu không đảm bảo điều kiện kinh doanh, tuy nhiên qua khảo sát các cửa hàng này vẫn đang hoạt động.

Đi dọc Quốc lộ 1A, nhận thấy các cây xăng dầu mọc lên ngày một nhiều. Các cửa hàng của các doanh nghiệp như Công ty Xăng dầu Nghệ An, Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Việt Nam chi nhánh tại Nghệ An (PV OIL), Công ty CP PTS Nghệ Tĩnh được xây dựng theo một mô hình thống nhất, mô hình chuẩn, khá khang trang, kết cấu kiên cố, có nhà vệ sinh, công trình phụ trợ. Nhưng số các cây xăng đạt chuẩn như vậy chưa nhiều.

Toàn tỉnh hiện có 123 cửa hàng không đủ điều kiện kinh doanh, trong đó xử lý trên thực tế vẫn chưa được thực hiện. Trong đó, có 38 cửa hàng không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu ven sông, ven biển, 15 tàu thuyền không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, 28 cửa hàng xăng dầu tự ý xây dựng và 42 cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng đã được giải quyết chủ trương đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn 102 cửa hàng thiếu giấy phép xây dựng. Trong đó: Thanh Chương có 16 cửa hàng, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa mỗi địa phương 7 cửa hàng, Quỳnh Lưu 20 cửa hàng, Quế Phong 12 cửa hàng, Anh Sơn 8 cửa hàng, Diễn Châu 9 cửa hàng, Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc mỗi huyện 5 cửa hàng...

Theo báo cáo của Sở Công Thương cũng cho thấy: Trên địa bàn toàn tỉnh có 190/648 (29,3%) cửa hàng bán lẻ xăng dầu kinh doanh chung với nhà ở trên đất ở và đất vườn (trong đó: có 3 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành mỗi huyện có đến 32 cửa hàng, Tân Kỳ có 21 cửa hàng, Anh Sơn có 12 cửa hàng, Nghi Lộc có 11 cửa hàng, Thanh Chương 9 cửa hàng, Đô Lương có 9 cửa hàng, Nam Đàn có 7 cửa hàng), số cửa hàng trên các tuyến đường bộ có kết cấu tạm chiếm 20% tổng số các cửa hàng.

Những tồn tại nói trên trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gây khó khăn cho công tác quản lý và quy hoạch trên địa bàn, ảnh hưởng tới an toàn phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự trên địa bàn.

Tiềm ẩn xăng dầu buôn lậu

Theo nhiều nguồn tin từ ngành chức năng, hiện nay nguồn xăng dầu nhập lậu trên thị trường rất lớn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường về bán và không kê khai, nộp thuế cho lượng hàng này (trốn cả việc kê khai lượng hàng, doanh số nhập vào và lượng hàng, doanh số bán ra). Hiện tượng này vừa gây thất thu ngân sách nhà nước, bao gồm thuế GTGT, thuế Thu nhập DN, thuế bảo vệ môi trường.

Ngành Thuế cũng cho biết, mặc dù sản lượng bán ra theo kê khai của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tăng lên rất nhiều so với trước khi thực hiện Đề án chống thất thu thuế kinh doanh xăng dầu, nhưng sản lượng bán ra cho các thương nhân nhượng quyền thương mại của Công ty Xăng dầu Nghệ An và thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn, không tăng một cách tương xứng vì lý do cơ bản nhất là nhiều doanh nghiệp mua xăng, dầu của các doanh nghiệp đầu mối bán buôn ngoại tỉnh. Trên địa bàn tồn tại nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ngoại tỉnh như: Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà (Thái Bình); Công ty xăng dầu dầu khí Nam Định; Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Thanh Hóa; Công ty Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (Hà Tĩnh); CN Công ty CP TM XL và XNK miền Trung tại Hà Tĩnh...). Các doanh nghiệp này không thành lập chi nhánh hoặc cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bán hàng tại địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng không được gọi là bán hàng vãng lai ngoại tỉnh nên Cục Thuế Nghệ An không kiểm soát được hoạt động kinh doanh cũng như thu được bất kỳ khoản thuế nào từ các doanh nghiệp bán buôn này.

Tăng cường giải pháp quản lý

Kinh doanh xăng dầu là kinh doanh có điều kiện và để một cây xăng được ra đời là điều không dễ, nhưng không hiểu sao trên toàn tỉnh có nhiều cây xăng dầu chưa đảm bảo thủ tục, điều kiện kinh doanh như thế vẫn tồn tại. Một số huyện chưa nắm bắt hết số cây xăng dầu trên địa bàn bởi cho rằng, việc cấp phép do Bộ Công Thương (đối với giấy xác nhận đủ điều kiện thương nhân phân phối xăng dầu) và do Sở Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu... Bên cạnh đó, việc kinh doanh xăng dầu đối với vùng biển hết sức cần thiết cho ngư dân, nhưng hầu hết không đảm bảo điều kiện, dễ gây ra nguyên nhân cháy nổ đối với khu vực xung quanh. Địa bàn dân cư chật hẹp, diện tích không đảm bảo. Vốn đầu tư kinh doanh xăng dầu chủ yếu là vốn vay.

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức họp để bàn giải pháp tháo gỡ cho các thương nhân, các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Theo đó, một số giải pháp tháo gỡ đã được ban hành. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những giải pháp đó còn “nhẹ nhàng” đối với các vi phạm của các cửa hàng xăng dầu, và nếu các cấp chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt hơn thì công tác xử lý vi phạm vẫn hạn chế.

Nguồn tin: baonghean

ĐỌC THÊM