Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông tin với tờ Financial Times rằng nước này sẽ xem xét quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của mình nếu cần thiết để giảm bớt gánh nặng từ các lệnh trừng phạt đối với các thực thể thuộc sở hữu của Nga.
Tập đoàn Gazprom của Nga sở hữu 56,15% cổ phần kiểm soát trong Nafta Industrija Srbije (NIS) của Serbia, công ty này hiện nhận thấy theo các lệnh trừng phạt, họ sẽ không nhận được nguồn cung dầu của Nga bắt đầu từ ngày 5 tháng 12, khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu của Nga qua đường biển có hiệu lực.
NIS của Serbia - một công ty lưu trữ khí đốt và lọc dầu - nhận dầu thô thông qua các tàu chở dầu từ đảo Krk của Croatia sau khi nó được dẫn qua đường ống Adriatic, JANAF.
Lệnh cấm của EU sẽ chặn dầu thô của Nga tới các nhà máy lọc dầu NIS.
Cho đến nay, NIS đã nhận được một số nguồn cung thay thế từ Iraq và các nước khác.
Nói với Financial Times vào hôm Chủ nhật, ông Vucic cho biết Belgrade đang xem xét "tất cả các khả năng", bao gồm cả việc tiếp quản NIS.
"Nếu có các biện pháp trừng phạt khác đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nga, đó sẽ là một vấn đề lớn đối với chúng tôi. Dù sao thì chúng tôi cũng sẽ phải hành động ... chúng tôi phải đảm bảo có đủ dầu và khí đốt cho người dân của mình nếu không ai muốn hợp tác với NIS... thì chúng tôi sẽ hành động", Vucic nói với FT.
Hiện tại, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra và ông Vucic cho biết việc quốc hữu hóa là chưa cần thiết vào lúc này ngay cả khi đó là một lựa chọn đang được thảo luận.
Trước đó, đã có các cuộc thảo luận về khả năng chính phủ Serbia và công ty năng lượng MOL của Hungary mua lại cổ phần của Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đó không có tiến triển.
Serbia, một đồng minh quan trọng của Nga, cũng đang đàm phán với Hungary để xây dựng một đường ống nối liền nhằm tiếp tục cung cấp dầu thô của Nga cho Serbia trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của EU.
Cuộc phỏng vấn của Tổng thống Serbia với tờ Financial Times diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đức cảnh báo nước này không nên có quan hệ thân thiết hơn nữa với Moscow, nói rằng những động thái như vậy có thể gây khó khăn cho nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu của nước này.
Một nguồn tin giấu tên của chính phủ Đức nói với Euractiv vào ngày 1 tháng 11 rằng trong khi “mối quan hệ với Serbia rất phức tạp - có ánh sáng cũng như bóng tối. Mối quan hệ của Serbia với Nga chắc chắn là một phần của bóng tối”. Nguồn tin cho biết Belgrade phải quyết định xem liệu nước này nên đứng về phía Moscow hay EU.
Nguồn tin: xangdau.net