Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Saudia Arabia và Trung Quốc nghiêm túc ra sao về mục tiêu phát thải của mình?

 

Ả-rập Xê-út và Trung Quốc đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi cả hai đều cam kết không phát thải ròng và rút khỏi nhiên liệu hóa thạch vào năm 2060. Hiện tại, việc thiếu các chiến lược rõ ràng về cách họ sẽ rời bỏ nhiên liệu hóa thạch đã đặt ra một số câu hỏi về mức độ chính xác của những lời cam kết này.

Mới tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không phát thải carbon vào năm 2060, chỉ muộn hơn 10 năm so với một số quốc gia châu Âu đang trên đường đạt mức phát thải ròng bằng không và phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris. Tập Cận Bình tuyên bố lượng khí thải carbon sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 trước khi giảm dần khi chuyển sang dầu cacbon thấp và các loại nhiên liệu thay thế có thể tái tạo.

Mục tiêu này được chính phủ ủng hộ, khi một tài liệu Nội các được công bố vào Chủ nhật tuần trước nêu rõ mục tiêu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch xuống dưới 20% vào năm 2060. Tuy nhiên, bất chấp mục tiêu đầy tham vọng này, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng về cách họ sẽ tự thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong năm tới để cuối cùng đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Trung Quốc gần đây đã thông báo rằng họ sẽ không còn đầu tư vào việc xây dựng các nhà máy than mới ở nước ngoài, nhưng trường hợp trong nước lại rất khác. Trung Quốc vẫn đang ủng hộ than trên diện rộng, với kế hoạch xây dựng khoảng 60 nhà máy than mới trong nước, làm ảnh hưởng tới sự tham gia của nước này trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 sắp diễn ra tại Glasgow vào cuối tháng.

Các chuyên gia cho rằng để Trung Quốc có thể tiến gần việc đáp ứng được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, họ sẽ phải từ bỏ hoàn toàn ngành công nghiệp than vào năm 2050, thay thế bằng năng lượng hạt nhân hoặc các nhiên liệu thay thế tái tạo. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một kế hoạch rõ ràng nào cho điều này xảy ra. Với khả năng các nhà máy than mới sẽ hoạt động trong 30 đến 40 năm nữa, việc đóng cửa sớm có thể đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến nền kinh tế năng lượng của Trung Quốc.

Ả Rập Saudi cũng đã đưa ra một cam kết táo bạo không kém vào tuần trước Thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố họ cũng đặt mục tiêu giảm phát thải carbon ròng vào năm 2060. Xét đến sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ quốc gia của Ả Rập Saudi, và là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, đây là một thông báo gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Bất chấp sức ép từ Mỹ, Anh và các tổ chức quốc tế như IEA, Ả Rập Xê Út đã nhiều lần từ chối các đề xuất hạn chế đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và bơm thêm vốn vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Cop26, Ả-rập Xê-út cuối cùng dường như đang thay đổi quan điểm của mình về khí hậu.

Thay vì từ bỏ hoàn toàn dầu khí, Thái tử bin Salman nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển công nghệ thu giữ carbon (CCS) lớn hơn nhằm hỗ trợ sản lượng năng lượng carbon thấp. Ngoài mục tiêu không phát thải ròng trong nửa sau của thế kỷ, Ả Rập Xê Út hy vọng sẽ giảm 278 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm vào năm 2030, tăng gấp đôi so với mục tiêu ban đầu.

Thông báo này theo sau cam kết hiện tại của công ty dầu khí Aramco là đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là việc không phát thải ròng chỉ áp dụng cho sản lượng ở trong nước, chứ không áp dụng cho các dự án diễn ra ở nước ngoài.

Giống như Trung Quốc, Ả Rập Xê-út đã không vạch ra một chiến lược rút lui rõ ràng cùng với tuyên bố gần đây của mình. Thái tử Bin Salman tuyên bố Vương quốc sẽ đầu tư 187 tỷ đô la cho hành động khí hậu trong thập kỷ này, trong khi Ả Rập Xê Út tiếp tục sản xuất dầu và khí đốt. Ngoài ra, theo Thái tử, một nửa sản lượng điện của cả nước sẽ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, mặc dù chỉ 1% điện năng của nước này hiện được tạo ra từ năng lượng mặt trời. Ngoài việc giới thiệu công nghệ CCS và đầu tư vào năng lượng tái tạo, dường như có rất ít chiến lược rõ ràng để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này.

Một số người tin rằng thời hạn năm 2060 là đủ xa để biến cam kết thành hiện thực. Một trong những người như vậy là Mina Al-Oraibi, Biên tập viên của hãng truyền thông Ả Rập Saudi The National, ông nói rằng “Những cam kết này rất quan trọng, nhưng chúng phải thực tế và chúng phải hiện hữu, và bạn phải có khả năng công nghệ và tài chính để nó thực sự được thực hiện”.

Tuy nhiên, những người khác không chắc chắn như vậy. Các chuyên gia tự hỏi làm thế nào mà Ả Rập Xê-út vừa có kế hoạch tiếp tục tăng sản lượng dầu đồng thời lại muốn giảm lượng khí thải carbon. Câu hỏi cũng đã được đặt ra về cách nước này sẽ tiếp tục quá trình khử muối trong nước, cần thiết để duy trì dân số ngày càng tăng mà không có khí tự nhiên. Và các nhóm môi trường như Greenpeace đặc biệt lên tiếng về những nghi ngờ của họ, khi cho rằng nếu không có một kế hoạch rõ ràng để giảm lượng khí thải, thì mục tiêu đề ra cũng như không. Một số người nói rằng thông báo này là một màn trình diễn công khai trước hội nghị thượng đỉnh Cop26, với hy vọng chuyển hướng những lời chỉ trích khỏi một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Giám đốc chiến dịch Greenpeace MENA, Ahmad El Droubi, nhận xét về sự thay đổi quan điểm của Ả Rập Xê Út, "Chúng tôi nghi ngờ về tính nghiêm túc của thông báo này, vì nó đi đôi với kế hoạch tăng sản lượng dầu của vương quốc. Thêm vào đó, nó dường như chỉ đơn giản là một động thái chiến lược nhằm giảm bớt áp lực chính trị trước COP26”.

Vì vậy, liệu các quốc gia này có đơn giản là đang chạy theo trào lưu hay họ sẽ thực hiện một sự thay đổi đáng kể như đã nêu trong các cam kết gần đây của mình? Chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng khi các quốc gia khác trong hội nghị thượng đỉnh Cop26 đưa ra các chiến lược rõ ràng để chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các lựa chọn tái tạo thay thế trong những năm tới, Trung Quốc và Ả Rập Xê-út sẽ không thể né tránh bằng những tuyên bố chung chung mà không có hành động về lâu dài.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM