Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Saudi Arabia lo ngại số ca mắc COVID-19 gia tăng trên thế giới làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN
WSJ ngày 9/10 dẫn lời một quan chức cấp cao của Saudi Arabia cho biết nước này đang xem xét hoãn kế hoạch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu mỏ vào đầu năm tới tại thời điểm COVID-19 vẫn lây lan mạnh ở nhiều nước, trong khi Libya nối lại hoạt động khai thác, xuất khẩu, đe dọa làm tăng nguồn cung dầu thô.
Tháng 4/2020, OPEC cùng với 10 nước đối tác (gọi tắt là nhóm OPEC+) đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày sau khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều nền kinh tế đóng cửa, nhiều nhà máy, xí nghiệp dừng hoạt động, việc di chuyển bằng đường không và các phương tiện giao thông công cộng gần như bị đóng băng.
Thỏa thuận OPEC+ kêu gọi các nước tăng sản lượng từng bước, theo từng giai đoạn. Dựa trên đánh giá dịch bệnh có xu hướng suy giảm vào cuối năm 2020, các nước đồng thuận sẽ tăng lượng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày sau mỗi 6 tháng. Mức tăng này đã được thực hiện lần đầu tiên vào mùa hè vừa qua và đợt tăng kế tiếp dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2021.
Tuy nhiên, các cố vấn trong ngành dầu mỏ Saudi Arabia cho biết nước này có ý định đóng băng kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ ít nhất là tới hết quý 1/2021. Lý do là thị trường khó có khả năng tiếp nhận thêm 2 triệu thùng dầu/ngày.
Saudi Arabia cũng e ngại việc Libya nối lại hoạt động khai thác, xuất khẩu sẽ làm tăng nguồn cung trên thị trường. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận và phe quân đội miền đông Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar mới đây đã đạt thỏa thuận về chấm dứt tình trạng “bất khả kháng” về sản xuất, xuất khẩu dầu tại quốc gia Bắc Phi này.
Trước đó, hoạt động sản xuất dầu mỏ của Libya đã gần như bị đình trệ kể từ tháng 1/2020 do LNA áp đặt phong tỏa các khu vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ chính. Trong hai tuần gần đây, sản lượng của Libya đã tăng gấp 3 lần, lên mức 300.000 thùng/ngày.
Saudi là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC và điều này tạo cho Riyadh ảnh hưởng bao trùm trong các quyết sách của nhóm về mức sản lượng. Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong kỳ họp cấp bộ trưởng tới đây của OPEC+, diễn ra từ 30/11-1/12/2020.
Nguồn tin: baotintuc.vn