Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc sâu rộng nền kinh tế vào năm 2030, với mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ vào cuối thập kỷ tới.
Ngân sách của Saudi Arabia ngày càng eo hẹp do giá dầu giảm. Ảnh: saudiarabia.blogspot.com
Trước áp lực về ngân sách, Chính phủ Saudi Arabia đã phải dừng nhiều dự án lớn, thắt chặt chi tiêu ở một số lĩnh vực, đồng thời tăng 80% giá bán lẻ nhiên liệu, vốn được coi là "rẻ như cho không" và giảm trợ cấp đối với ngành điện, nước sinh hoạt và một dịch vụ khác.
Ngân sách ngày càng eo hẹp cũng buộc Saudi Arabia phải phát hành trái phiếu trên thị trường nội địa, trị giá 30 tỷ USD trong năm 2015 và đi vay 10 tỷ USD từ các ngân hàng nước ngoài đầu năm nay.
Nước này đã phải sử dụng đến hơn 100 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối, khiến quỹ này tụt từ 732 tỷ USD năm 2014 xuống còn 616 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Riyadh có kế hoạch cắt giảm 13,8% chi ngân sách trong năm 2016, trong đó ngân sách quốc phòng dự kiến giảm 3,6%, từ 47,6 tỷ USD năm 2015 xuống 45,9 tỷ USD năm nay.
Trước viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế Saudi Arabia, các nhà phân tích của hãng tin CNBC mới đây nhận định quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới này có thể sẽ bị phá sản vào năm 2018, trên cơ sở dự báo giá dầu 40 USD/thùng. Đánh giá của CNBC dựa trên kịch bản Saudi Arabia không có sự thay đổi lớn nào cả về kinh tế và chính trị.
Kế hoạch đại phẫu đầy tham vọng
Cuối tháng 4/2016, Chính phủ Saudi Arabia đã thông qua kế hoạch "Tầm nhìn Kinh tế 2030" cho thời kỳ hậu kỷ nguyên dầu mỏ, do Phó Thái tử Mohammed bin Salman (người kế vị thứ hai) khởi xướng.
Kế hoạch này được đưa ra với mục tiêu then chốt là giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua các cải cách mạnh mẽ về đầu tư và kinh doanh cũng như thúc đẩy một loạt dự án kinh tế sinh lời và tạo việc làm.
"Tầm nhìn Kinh tế 2030" được kỳ vọng sẽ tăng 6 lần doanh thu từ các hoạt động phi dầu mỏ từ 43,5 tỷ USD lên 267 tỷ USD.
Saudi Arabia cũng đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của lĩnh vực tư nhân trong GDP từ 40% lên 60% vào năm 2030, đặc biệt đóng góp trong nền kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) được nâng từ 20% lên 35%, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động.