Riyadh hôm Chủ Nhật đã công bố một đợt cắt giảm sản lượng dầu mới sau cuộc họp của các nhà sản xuất lớn nhằm hỗ trợ giá bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế.
Cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gồm 13 thành viên do Saudi Arabia đứng đầu và 10 đối tác do Nga dẫn đầu đã chứng kiến một số cuộc đàm phán gay go.
Bộ trưởng Năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói với các phóng viên sau cuộc họp OPEC+ kéo dài nhiều giờ tại trụ sở của nhóm ở Vienna, rằng việc cắt giảm một triệu thùng mỗi ngày (bpd) mới của Saudi Arabia là cho tháng 7 nhưng "có thể gia hạn."
Các nhà phân tích phần lớn dự đoán các nhà sản xuất OPEC+ sẽ duy trì chính sách hiện tại của họ, nhưng các dấu hiệu đã xuất hiện vào cuối tuần này cho thấy 23 quốc gia đang cân nhắc cắt giảm sâu hơn.
Vào tháng 4, một số thành viên OPEC+ đã đồng ý tự nguyện cắt giảm sản lượng hơn một triệu thùng/ngày - một động thái bất ngờ đã hỗ trợ giá trong thời gian ngắn nhưng không mang lại sự phục hồi lâu dài.
Các nhà sản xuất dầu đang vật lộn với giá giảm và biến động thị trường cao trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, vốn đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Giá dầu đã giảm mạnh khoảng 10% kể từ khi đợt cắt giảm vào tháng 4 được công bố, với dầu thô Brent giảm còn gần 70 USD/thùng, mức chưa từng được giao dịch thấp hơn kể từ tháng 12 năm 2021.
Các nhà giao dịch lo lắng rằng nhu cầu sẽ sụt giảm, với những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu khi Hoa Kỳ phải đối mặt với lạm phát và lãi suất cao hơn trong khi sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 đang chững lại.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc cắt giảm sản lượng hiện tại sẽ được kéo dài đến cuối năm 2024 sau khi xem xét vấn đề "trong một thời gian dài."
Theo bảng kế hoạch của OPEC+ về mức sản xuất cần thiết cho năm tới, UAE sẽ có thể sản xuất nhiều hơn hiện tại, trong khi một số quốc gia bao gồm Angola, Cộng hòa Congo và Nigeria đã bị cắt giảm hạn ngạch.
Hãng tin Bloomberg đưa tin các nước châu Phi đã miễn cưỡng từ bỏ một số hạn ngạch của mình mặc dù các nước đang không đáp ứng được hạn ngạch đó.
"Chúng tôi có một thỏa thuận mà mọi người đều hài lòng", Bộ trưởng dầu mỏ của Cộng hòa Congo Bruno Jean-Richard Itoua nhấn mạnh sau cuộc họp.
Theo các nhà phân tích, cuộc họp hôm Chủ Nhật cũng được theo dõi chặt chẽ vì Nga muốn duy trì sản xuất, trong khi Saudi Atrabia muốn đẩy giá lên để cân bằng ngân sách.
"Họ một lần nữa cho thấy họ làm việc cùng nhau... Cuối cùng, điều quan trọng là họ đồng ý với nhau," nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, đồng thời cho biết thêm "phần quan trọng là thể hiện sự thống nhất."
Nga phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ do cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động lên nền kinh tế của nước này, và đang vận chuyển dầu tới Ấn Độ và Trung Quốc khi các đại gia châu Á này hấp thụ nguồn dầu thô giá rẻ từ Nga.
Mặt khác, giá hòa vốn của Saudi Arabia hiện ở mức "80 USD/thùng," theo các nhà phân tích của Commerzbank.
Vào tháng 3 năm 2020, liên minh này đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ khi Moscow từ chối cắt giảm sản lượng dầu ngay cả khi đại dịch Covid khiến giá rơi tự do.
Sau khi các cuộc đàm phán đổ vỡ, Riyadh đã làm tràn ngập thị trường bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu lên mức kỷ lục trước khi hai nước đi đến một thỏa thuận.
Khi được hỏi liệu có bất đồng nào với Saudi Arabia vào cuối tuần này hay không, Novak nói: "Không, chúng tôi không có bất đồng nào, đó là một quyết định chung."
Các nhà phân tích cho biết giá dầu dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn sau động thái của Riyadh.
Tamas Varga, nhà phân tích của PVM Energy, cảnh báo: "Câu hỏi đặt ra là phía cầu của phương trình dầu. Nếu áp lực lạm phát kéo dài dẫn đến nhu cầu dầu toàn cầu điều chỉnh giảm thì việc cắt giảm nguồn cung có thể bị vô hiệu hóa."
Các nước OPEC+ sản xuất khoảng 60% lượng dầu của thế giới. Cuộc họp tiếp theo của nhóm dự kiến vào ngày 26 tháng 11.
© 2023 AFP
Bản tiếng Việt của Xangdau.net