Hiệp định của OPEC đang cho thấy sự thất bại, nhưng liệu nó có khiến Saudi Arabia từ bỏ thỏa thuận này? Họ có đang gian lận những con số của mình? Đây là những câu hỏi phát sinh vào ngày 14 tháng 3, khi các báo cáo đưa ra rằng Saudi Arabia đã tăng sản lượng thêm 263.000 thùng mỗi ngày trong tháng 2 từ mức sản xuất tháng 1.
Báo cáo Thị trường Dầu Hàng tháng của OPEC đưa ra hai số liệu riêng biệt. Một, số liệu sản xuất trực tiếp do các quốc gia thành viên cung cấp. Hai, dữ liệu được thu thập từ sáu nguồn tin độc lập, bao gồm các cơ quan thống kê và các nhà xuất bản chuyên ngành về dầu mỏ.
Cả hai con số này đều tương đối đồng đều trong trường hợp của Saudi Arabia, với chênh lệch trung bình là 72.000 thùng/ngày trong năm 2016, với chênh lệch tối đa là 102.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, đã có một mức chênh lệch 117.000 thùng mỗi ngày, khi dữ liệu nguồn tin phụ đã vượt quá số liệu của chính phủ với mức đó. Theo John Kemp, một chuyên gia phân tích thị trường của Reuters, trong tháng 2, dữ liệu của chính phủ đã vượt quá số liệu phụ là 214.000 thùng mỗi ngày.
Sự khác biệt này đã gây nhầm lẫn cho thị trường và dẫn tới nghi ngờ. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã nhanh chóng làm rõ vấn đề này: "Sự khác biệt giữa những gì mà thị trường quan sát do sản xuất và mức cung thực tế trong một tháng nhất định, là do các yếu tố hoạt động bị ảnh hưởng bởi các điều chỉnh hàng tồn kho và các nhân tố khả biến so sánh tháng khác," CNBC tường thuật lại.
Báo cáo của Saudi nói rằng trong tháng 1, mặc dù sản lượng chỉ là 9,748 triệu thùng/ngày, nguồn cung thực tế là 9,99 triệu thùng mỗi ngày - có thể là do sự thu hẹp lại của các kho chứa. Trong tháng 2, mặc dù sản lượng đã tăng lên mức 10,11 triệu thùng/ngày, nguồn cung thực tế chỉ còn 9,90 triệu thùng mỗi ngày - lượng dầu dư thừa được đưa vào kho để tích trữ.
Trong suốt hai tháng, Saudi Arabia tiếp tục duy trì nguồn cung dưới 10 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, Saudi Arabia có thể sử dụng khoảng thời gian hiện tại để tái tích trữ các kho dự trữ dầu thô cạn kiệt của nước này, xuống còn 262 triệu thùng vào cuối tháng 1 năm 2017, từ mức 329 triệu thùng hồi tháng 10 năm 2015.
Vì vậy, mặc dù sản lượng thực tế có thể tăng, điều ảnh hưởng đến thị trường là lượng dầu xuất khẩu. Vì lý do này, các thị trường nên tập trung vào lượng dầu cung cấp chứ không phải là lượng dầu sản xuất - một thực tế mà Iraq gần đây đã nhắc đến.
Lợi ích tốt nhất của Saudi Arabia từ thỏa thuận OPEC là tiếp tục đạt mức tuân thủ cao, bởi vì nếu không có thỏa thuận này, dầu sẽ ở mức gần-hoặc thấp hơn - 40 USD/thùng so với mức 50 USD/thùng. Ở mức giá đó, Saudi Aramco sẽ không có được một niêm yết thuận lợi hoặc vốn hóa thị trường mà Saudi đang mong muốn. Việc niêm yết của Aramco là một thành phần quan trọng trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Vương quốc dầu mỏ này, mà thông qua kế hoạch đó quốc gia này muốn giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ.
Ngoài điều này, thậm chí trong lịch sử, Saudi cũng đã nhất quán trong việc báo cáo của họ và hoàn thành trách nhiệm của mình trong hiệp ước, và chắc chắn họ sẽ không thể phá vỡ hiệp ước này lần này.
Tuy nhiên, không thể nói điều tương tự cho các thành viên OPEC còn lại, những người đã có lịch sử gian lận, vượt quá hạn ngạch sản xuất. Ngay cả thời gian này, hầu hết các thành viên và Nga đang sản xuất nhiều hơn hạn ngạch sản xuất cho phép.
Trong khi đó, thị trường đang tập trung vào yếu tố sai lầm của thỏa thuận cắt giảm; trọng tâm của họ nên là các nước khác như Iraq, Iran và Nga, có nhiều khả năng sẽ gian lận hơn là Saudi Arabia. Thỏa thuận này có thể bị phá vỡ, nhưng nó sẽ không bị phá vỡ do sản xuất quá mức của Saudi Arabia.
Nguồn: xangdau.net