Đằng sau cái “bắt tay cứu giá dầu" là cuộc đua quyết liệt của Nga và Saudi Arabia tại thị trường đông dân nhất thế giới...
Khủng hoảng giá dầu đã mang Nga và Saudi Arabia xích gần lại với nhau hơn bao giờ hết với việc "bắt tay" giảm sản lượng. Nhưng chính trong bối cảnh giá dầu lao dốc, hai nước này càng quyết liệt hơn trong cuộc chiến trở thành nhà xuất khẩu dầu hàng đầu sang Trung Quốc - thị trường đông dân nhất thế giới với nhu cầu khổng lồ, hãng tin CNN cho biết.
Trong bối cảnh giá đầu xuống thấp kỷ lục (xuống gần 26 USD/thùng) hồi năm ngoái do nguồn cung dư thừa, Nga và Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong đó có Saudi Arabia phải hợp tác chặt chẽ nhằm giảm sản lượng. Tuần trước, hai bên gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng dầu thêm 9 tháng.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có cuộc gặp với hoàng tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia để củng cố cam kết trên.
Tuy vậy, đằng sau cái “bắt tay” này lại là cuộc chiến quyết liệt để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất tại Trung Quốc - thị trường khổng lồ luôn “khát” dầu.
Robin Mills, Giám đốc điều hành của Qamar Energy, so sánh cuộc chiến này với “ván cờ lớn” - cuộc đua địa chính trị giữa Anh và Nga nhằm giành quyền lực thống trị tại Trung Á vào thế kỷ 19.
“Bất cứ nhà xuất khẩu dầu lớn nào, kể cả Saudi Arabia, Iran hay Nga, đều phải cố xâm nhập vào thị trường Trung Quốc”, Mill nhận định.
Về phía Nga, năm 2014, nước này có động thái lớn đầu tiên. Khi đó, dầu mỏ Nga bị từ chối ở các thị trường phương Tây do cấm vận liên quan tới xung đột ở Ukraine. Tổng thống Putin đã phải quay sang các thị trường phương Đông để tìm đầu ra cho dầu mỏ sản xuất trong nước. Sau nhiều năm đàm phán, năm 2014, Moscow và Bắc Kinh đã ký một hợp đồng cung cấp khí ga trong 30 năm trị giá khoảng 400 tỷ USD cho Trung Quốc.
Tuy vậy, giới phân tích nhận định ông Putin có thể đã phải giảm giá sâu để giành được hợp đồng này và thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Về phía Saudi Arabia, quốc vương quá cố Abdullah cũng có chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2006. Sau chuyến thăm, liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia được thành lập.
Thoả thuận hợp tác này bao gồm hoạt động khai thác dầu trên biển Đỏ với sản lượng 400.000 thùng/ngày và xây dựng một cơ sở khai thác quy mô tương tự tại Trung Quốc. Saudi Arabia cũng cam kết đặt các trụ sở kinh doanh khu vực châu Á tại Bắc Kinh.
Bộ trưởng Năng lượng Khalid Al Falih của Saudi cho biết nước này chỉ đang trong giai đoạn khởi động.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc”, ông Al Falih cho biết. “Đây là kế hoạch chiến lược ở mức cao nhất. Chúng tôi có nhiều đất để phát triển và các đối tác Trung Quốc biết điều đó”.
Cuộc chiến thị phần dầu giữa Nga và Saudi Arabia không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà còn ở khắp châu Á.
Đầu năm 2017, Quốc vương Salman của Saudi Arabia đã ký nhiều hợp đồng trị giá 13 tỷ USD với các nước châu Á, bao gồm Malaysia và Indonesia.
Hiện nay, châu Á chiếm tới gần 1/3 nhu cầu dầu trên toàn cầu với 31,4 triệu thùng vào năm ngoái, theo số liệu của FACTS Global Energy.
Ấn Độ với dân số 1,3 tỷ người cùng kinh tế tăng trưởng mạnh, cũng là một trong những thị trường mục tiêu của các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Ông Al Falih cho biết Ấn Độ đang nằm trong tầm ngắm của dầu mỏ Saudi Arabia.
Nga cũng không đứng ngoài cuộc và khiến giới quan sát bất ngờ với quyết định đầu tư 13 tỷ USD vào Essar Oil, hãng sản xuất dầu mỏ tư nhân lớn thứ 2 tại Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái.
Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nếu OPEC nối lại cuộc chiến giành thị phần, thì thế giới sẽ lại thừa mứa dầu. “Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan của OPEC: nếu họ quay trở lại mức sản lượng cũ vào năm 2018 để tăng thị phần, thì giá dầu sẽ lại sụt giảm”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.
Nguồn tin: Vneconomy.