OPEC dự kiến tổ chức cuộc họp trực tuyến vào ngày 9/4 sau khi hoãn cuộc họp ngày 6/4 để thảo luận việc cắt giảm sản lượng nhằm giảm bớt tình trạng dư cung dầu mỏ.
Một cơ sở khai thác dầu tại Jubail, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một quan chức cao cấp của Saudi Arabia ngày 5/4 cho biết quốc gia Hồi giáo này đang có hành động chưa từng có trước đây khi trì hoãn việc công bố giá bán dầu thô quốc tế khoảng 5 ngày (thông thường vào ngày 5 hàng tháng), trong bối cảnh nước này cùng các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu khác đang tìm cách để chặn đà "rơi tự do" của giá dầu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tiếp tục giảm trong phiên sáng 6/4 tại thị trường châu Á bởi cuối tuần qua các nhà sản xuất lớn, như Saudi Arabia, Nga và Mỹ đã không có những động thái mạnh để giải quyết tình trạng dư dôi nguồn cung đang nhấn chìm thị trường.
Cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga trong một tháng qua giữa lúc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nhanh, đã đẩy giá dầu giảm từ 65 USD/thùng xuống còn 34 USD/thùng.
Các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết cuộc chiến giá dầu, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất lớn khác, bao gồm cả Mỹ, tham gia nỗ lực chung.
OPEC dự kiến tổ chức cuộc họp trực tuyến vào ngày 9/4 sau khi hoãn cuộc họp ngày 6/4 để thảo luận việc cắt giảm sản lượng nhằm giảm bớt tình trạng dư cung vì nhu cầu nhiên liệu toàn cầu dự báo sẽ giảm 1/3 do dịch COVID-19.
Các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới thuộc OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, trong đó có Nga, Mỹ và Canada, đều bày tỏ hy vọng các nước sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, cuối tuần qua, căng thẳng lại gia tăng giữa Saudi Arabia và Nga về nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh, bất chấp sức ép từ Tổng thống Mỹ đối với OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, về việc nhanh chóng bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới.
Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất 18 năm qua vào ngày 30/3, do nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và việc OPEC+ không đạt được sự nhất trí về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khi thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 31/3/2020.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa đưa ra cam kết tham gia nỗ lực bình ổn thị trường dầu thế giới.
Một nguồn tin cho hay, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette đã không đề cập đến khả năng cắt giảm sản lượng của Mỹ trong một cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo ngành dầu mỏ trong ngày 3/4.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu 10 triệu thùng/ngày sẽ không đủ để ứng phó với nhu cầu dầu giảm mạnh và ngay cả khi điều này diễn ra thì lượng dầu lưu trữ trong kho sẽ tăng thêm 15 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn