Là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Saudi Arabia đang chuyển đổi mô hình kinh tế trong bối cảnh đối mặt với những khó khăn do giá dầu thô giảm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Saudi Arabia chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu mỏ. Ảnh: Oil and Gas People
Saudi Arabia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, đồng thời tìm kiếm những nguồn tài chính mới. Nước này hy vọng có có thể huy động tới 17,5 tỷ USD trong đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên. Nhu cầu đối với trái phiếu của Saudi Arabia là rất lớn, nhất là từ các nhà đầu tư châu Á.
Một quyết định khác cũng được đưa ra đó là mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa đầu tư và mở cửa các ngành dịch vụ. Biện pháp nữa là thực hiện các chính sách khắc khổ như tạm chấm dứt tăng lương và thưởng cho công chức, cắt giảm trợ giá điện và nước sinh hoạt, nhiên liệu.
Những năm đầu thập niên 2000, Saudi Arabia đã thực hiện một chương trình cải cách giáo dục lớn và đã đầu tư thành lập các trường đại học mới để phát triển khoa học và công nghệ.
Năm 2011, việc Saudi Arabia tăng số người bản địa làm việc trong các công ty quốc gia đã tạo ra những hiệu ứng tích cực về việc làm trong trung và dài hạn. Ý thức được rằng những sáng kiến trên là chưa đủ, chính phủ nước này đã thực hiện một chương trình cải cách kinh tế-xã hội lớn "Tầm nhìn 2030" nhằm giúp đất nước bớt phụ thuộc vào dầu mỏ. Thời kỳ hậu dầu mỏ đang được mở ra.
Nguồn lợi từ dầu mỏ được Saudi Arabia dùng vào việc tài trợ cho công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa đất nước. Tuy nhiên, GDP tính trên đầu người cao không thể che giấu được những mặt tiêu cực trong xã hội những năm qua: 30% người dưới 25 tuổi thất nghiệp và khoảng 13% người dân sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Vấn đề tái phân bổ nguồn lợi từ dầu mỏ trong xã hội là điều hiển nhiên. Chính phủ Saudi Arabia đã phải thực hiện chiến lược quốc gia để xóa đói giảm nghèo vào năm 2020.
Những vấn đề kinh tế và xã hội ở Saudi Arabia ngày càng trầm trọng thêm do giá dầu giảm. Thâm hụt ngân sách lớn và giá dầu giảm mạnh đã khiến chính phủ nước này phải sử dung nguồn dự trữ ngoại tệ để bù đắp "bổ trợ" cho hoạt động chi tiêu.
Theo thống kê chính thức, dự trữ ngoại tệ của Saudi Arabia đã giảm từ 732 tỷ USD cuối năm 2014 xuống 562 tỷ USD vào tháng 8/2016. Dự kiến, mức thâm hụt ngân sách năm nay của nước này sẽ lên tới 87 tỷ USD, tương đương 13% GDP./.
Nguồn tin: Bnews