Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Saudi Arabia cho biết chính sách sản lượng của OPEC+ không thay đổi cho tới tháng 6

 

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia, Khalid al-Falih cho biết còn quá sớm để thay đổi chính sách sản lượng của OPEC+ tại cuộc họp của tổ chức này trong tháng 4/2019 và Trung Quốc, Mỹ sẽ dẫn dắt nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay.

Tổ chức OPEC và các đồng minh như Nga (gọi là OPEC+) sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 17 - 18/4/2019 và một cuộc họp khác dự định vào 25- 26/6/2019.

Ông Falid cho biết tổ chức này không thể thay đổi chính sách sản lượng của họ trong tháng 4/2019 và nếu cần thiết sẽ thực hiện điều chỉnh trong tháng 6/2019.

Thành viên UAE của OPEC cho biết họ sẽ tiếp tục đáp ứng nghĩa vụ của mình để cắt giảm nguồn cung theo thỏa thuận của nhà sản xuất.

Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp Suhail al-Mazrouei cho biết “chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cam kết điều chỉnh sản lượng tự nguyện của OPEC và các thành viên ngoài OPEC cho tới khi thị trường toàn cầu tái cân bằng”.

Vào ngày 1/1/2019, OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng mới để tránh dư cung đe dọa giá suy yếu. Tổ chức này đã đồng ý giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng. Các nguồn hiện nay cho biết viễn cảnh có khả năng nhất là việc cắt giảm sản lượng hiện nay sẽ được kéo dài tới tháng 6/2019, nhưng phụ thuộc nhiều vào mức độ trừng phạt của Mỹ với các thành viên OPEC là Iran và Venezuela.

OPEC cắt giảm 800.000 thùng/ngày phân bổ cho 11 nước thành viên - ngoại trừ Iran, Libya và Venezuela, được miễn trừ. Mức cơ sở để giảm sản lượng dựa chủ yếu vào sản lượng của họ trong tháng 10/2018.

Đối với Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, sản lượng trong tháng 4/2019 dự kiến vẫn như mức tháng này 9,8 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu dầu toàn cầu

Ông Falih cho biết tổng nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay. Ông trả lời phóng viên Reuters “nếu bạn nhìn riêng vào Venezuela bạn sẽ hoảng sợ, nếu bạn nhìn vào Mỹ bạn sẽ nói thế giới ngập trong dầu. Bạn phải nhìn vào toàn cảnh thị trường. Chúng tôi nghĩ nhu cầu năm 2019 là thực sự hoàn toàn mạnh”.

Tại Venezuela, nơi bất ổn chính trị và kinh tế, xuất khẩu dầu đã giảm 40% xuống khoảng 920.000 thùng/ngày kể từ khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt với ngành dầu mỏ của nước này vào ngày 28/1/2019.

Mặt khác, sản lượng tại Mỹ đạt kỷ lục hơn 12 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2019. Cơ quan Năng lượng Quốc tế tháng trước đã dự báo tăng trưởng nhu cầu năm nay không đổi so với dự báo trong tháng 1/2019 ở mức 1,4 triệu thùng/ngày.

Ông Falih nói nhu cầu của Trung Quốc phá ngưỡng kỷ lục hàng tháng và ước tính nước này sẽ vượt 11 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Ông cũng cho biết cùng với Trung Quốc và Mỹ, kinh tế đang mở rộng của Ấn Độ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Sau cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ cho biết ông muốn Saudi Arabia đóng một vai trò tích cực trong việc giữ giá dầu ở mức hợp lý do khi giá tăng ảnh hưởng đến nền kinh tế Ấn Độ.
Ông cũng mời Saudi Arabia làm đối tác cho Ấn Độ trong việc xây dựng dự trữ dầu mỏ chiến lược và tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Ấn Độ.

Nguồn tin: vinanet.vn

ĐỌC THÊM