Không có dấu hiệu cho thấy giá dầu ngừng giảm - tin tốt cho người tiêu dùng nhưng là sự phát triển tàn nhẫn cho các nhà sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Nga. Và bây giờ, sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu dầu của Mỹ đang góp phần làm cho sự sụt giảm giá này.
Tuần trước, giá dầu đạt mức thấp mới của năm 2017, với dầu Brent giảm xuống dưới 48 USD/thùng và West Texas Intermediate xuống dưới 46 USD. Sự sụt giảm này được cho là do dự trữ dầu thô Mỹ tăng bất ngờ, tăng 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 02/06 (theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA), mặc dù thị trường kỳ vọng rằng tồn kho sẽ giảm 3,5 triệu thùng.
Sự gia tăng sản xuất này gắn liền với việc xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ tăng lên, kể từ khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm 40 năm đối với những mặt hàng xuất khẩu này vào năm 2015. Điều này dẫn đến sự tăng nhẹ trong xuất khẩu dầu vào năm 2016 nhưng tăng đáng kể cho đến thời điểm này trong năm 2017. Đây là một lý do chính giá sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong dài hạn.
Làn sóng giảm và tăng trong xuất khẩu của Mỹ
Cần nhớ rằng tại sao Mỹ lại cấm xuất khẩu dầu mỏ vào năm 1975 (sự ngoại lệ được cho phép theo quyền định đoạt của tổng thống). Năm 1970 đã thiết lập kỷ lục về sản lượng dầu thô cao nhất ở Mỹ, mặc dù kỷ lục này sẽ có thể bị phá vỡ trong vòng hai năm tới. Mỹ đã sản xuất rất nhiều nhưng cũng tiêu thụ rất nhiều, buộc quốc gia này phải nhập khẩu nhiều hơn từ các nước OPEC, nhóm đã sản xuất khoảng 55% lượng dầu thế giới vào năm 1973.
Điều này có nghĩa là OPEC về cơ bản có thể kiểm soát được giá cả. Và sau khi Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, OPEC đã trả đũa bằng cách tăng giá dầu. Điều này tạo ra sự tăng giá gấp bốn lần và một cú sốc dầu mỏ toàn cầu. Một trong nhiều cách Mỹ phản ứng lại chính là Đạo luật Chính sách và Bảo tồn Năng lượng EPCA năm 1975. Đạo luật này được thiết kế để làm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Mỹ bằng cách cấm xuất khẩu dầu, đảm bảo rằng dầu được sản xuất ở Mỹ chỉ được tiêu thụ trong nước.
Nhưng ngày nay, nguồn cung không còn là mối quan tâm lớn. Mỹ đã tự mình tách ra khỏi sự phụ thuộc dầu nước ngoài, một phần thông qua các công nghệ như bẻ gẫy thủy lực và khoan ngang. Năm 2013, Mỹ bắt đầu sản xuất nhiều dầu hơn mức nhập khẩu, và mức sản xuất tiếp tục tăng lên. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2010 và đã vượt dự báo cho năm 2017. Vào cuối năm 2016, Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA ước tính Mỹ sẽ sản xuất 8,7 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2017. Các ước tính mới cho thấy sẽ sản xuất ra 9,2 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2017 và lên đến 10 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2018.
Nhưng không chỉ là số liệu sản xuất của Mỹ đang gây ấn tượng: mà còn là sự gia tăng xuất khẩu dầu thô của Mỹ. Mỹ đã xuất khẩu 830.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 3, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2, Mỹ đã xuất khẩu 1,1 triệu thùng mỗi ngày, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo The Wall Street Journal, con số tháng 2 gần với tiêu chuẩn mới hơn, vì hãng truyền thông này dự đoán Mỹ xuất khẩu trung bình khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2017.
Thảm hoạ cho những nhà sản xuất dầu
Đây là một thách thức khổng lồ cho các nhà sản xuất dầu hàng đầu, đặc biệt là Saudi Arabia và Nga. Vào tháng 12 năm 2016, OPEC và các đối tác sản xuất dầu đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 1,5% sản lượng dầu thô toàn cầu vào thời điểm đó. OPEC, dẫn đầu bởi Saudi, đã thực hiện tốt cam kết này, giảm sản lượng 1,1 triệu thùng/ngày trong quý I năm 2017. Người Nga đã đóng kịch với con số cắt giảm sản xuất so với mức tháng 12 năm 2016 nhưng không phải so với mức cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp ước OPEC đã giúp ổn định giá dầu quanh mức 50 USD/thùng và tháng trước cắt giảm được kéo dài thêm 9 tháng nữa. Nếu vẫn còn năm 1973, điều đó có thể đã gây ra sự tăng vọt trong giá dầu. Nhưng vào năm 2017, OPEC chỉ sản xuất khoảng 40% nguồn cung toàn cầu, và Mỹ là một trong số ba nước sản xuất lớn nhất trên thế giới. Giá dầu thô Brent tăng lên 54,15 USD/thùng trước khi cắt giảm được mở rộng nhưng kể từ đó đã giảm gần 12% và có thể tiếp tục giảm.
Điều này có nghĩa là ngay cả các lực phối hợp chung của OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài nhóm cũng không thể vực dậy giá dầu trừ khi họ sẵn sàng cắt giảm sản xuất mạnh mẽ hơn. Nó cũng có nghĩa là thị trường hiện có đủ nguồn cung dầu, một phần từ Mỹ, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, ngay cả khi các nhà sản xuất lớn hạn chế nguồn cung cấp. Duy trì giá ở mức hiện tại là kết quả tốt nhất mà các nhà sản xuất có thể hy vọng. Nhưng ngay cả điều này cũng đi kèm với những mặt trái là việc mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh, mà không đạt được mục tiêu giá dầu quay mức mà Nga và Saudi Arabia sẽ cần để ổn định nền kinh tế của họ.
Khi chúng ta thảo luận về quyền lực của Mỹ trên thế giới, chúng ta thường đưa ra một vài điểm chính: Nền kinh tế Mỹ chỉ chiếm dưới một phần tư tổng sản phẩm quốc nội trên toàn cầu; Mỹcó một lực lượng quân đội không nước nào có thể ngang hàng trên thế giới; và nền kinh tế của Mỹ không phụ thuộc vào xuất khẩu. Hiện giờ chúng ta có thể bổ sung thêm các điểm sau đây vào danh sách này: Mỹ là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới; Mỹ đang ít phụ thuộc vào nhập khẩu dầu hơn bất kỳ thời điểm nào trong 40 năm qua; Và Mỹ đang ăn cắp các khách hàng từ Nga và Saudi Arabia thậm chí với mức giá thấp 50 USD/thùng. Thậm chí một vài năm trước đây, các nhà sản xuất đá phiến sét của Mỹ đã rất khó khăn để có được lợi nhuận ở mức giá đó, nhưng bây giờ họ đang thành công. Giá dầu đang đi xuống, xuất khẩu dầu của Mỹ đang tăng lên, và sự phân bổ sẽ là trên toàn cầu.
Nguồn: xangdau.net