Sản lượng khai thác của các nước thành viên OPEC tăng 336.100 thùng/ngày lên 32,1 triệu thùng/ngày, trong đó dẫn đầu là Libya, Nigeria và Iraq. Libya và Nigeria là hai quốc gia không ký cam kết cắt giảm sản lượng.
Sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 5 tăng mặc dù hôm 25/5 các nhà lãnh đạo đã đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sang tháng 3/2018.
Sản lượng khai thác các nước thành viên OPEC tăng 336.100 thùng/ngày lên 32,1 triệu thùng/ngày, trong đó dẫn đầu là Libya, Nigeria và Iraq. Libya và Nigeria là hai quốc gia không ký cam kết cắt giảm sản lượng.
Sản lượng dầu thô của Libya tăng hơn 178.000 thùng/ngày lên mức 730.000 thùng/ngày do các phe đối lập của nước này đang tiến tới đàm phán hòa giải. Kèm với đó, trong suốt thời gian xung đột, nguồn cung dầu bị gián đoạn nghiêm trọng nên thời điểm này là lúc sản lượng dầu thô được phục hồi.
Tại Nigeria, sản lượng tăng hơn 174.000 thùng/ngày lên mức 1,68 triệu thùng/ngày do nguồn cung ở nước này đang trên đà phục hồi sau khi các giàn khoan quay trở lại hoạt động. Với đợt tăng sản lượng này, Nigeria tuyên bố là quốc gia khai thác dầu lớn nhất trong số các quốc gia thành viên OPEC khu vực châu Phi, vượt mặt Angola. Sản lượng khai thác của Angola trong tháng 5 giảm 54.000 thùng/ngày - mức giảm mạnh nhất trong số 13 nước thành viên.
Trong tháng 5, sản lượng khai thác của Iraq, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 2 OPEC, cũng tăng 44.000 thùng/ngày lên 4,42 triệu thùng/ngày.
Chỉ có 4 nước tuân thủ ở mức bằng hoặc dưới mức hạn ngạch cắt giảm đã ký trong cam kết là Ả-rập Saudi, Angola, Kuwait và Qatar.
Tháng trước, OPEC và một số quốc gia xuất khẩu dầu khí khác đã đồng thuận kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày sang tháng 3/2018. Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định này được thông qua, giá dầu trượt dốc mạnh do các nhà đầu tư đã quá kỳ vọng thỏa thuận cắt giảm không chỉ được kéo dài thêm 9 tháng mà hạn mức cắt giảm còn được nâng cao hơn 1,8 triệu, kể từ 25/5 giá dầu giảm khoảng 10%. Trữ lượng dầu thô của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD vẫn cao hơn 251 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm.
Mặc dù vậy, OPEC vẫn lạc quan vào tương lai thị trường dầu thô khi dự đoán nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng 1,3%, tương đương 1,27 triệu thùng. Bộ trưởng dầu khí Ả-rập Saudi Khalid al-Falih cho biết trong vòng 3-4 tháng nữa, trữ lượng dầu thô trên thế giới sẽ giảm mạnh.
Hôm thứ 7, ông Falih cho biết không cần thiết phải thảo luận thêm về thỏa thuận cắt giảm giữa OPEC và một số quốc gia khác trong đó có Nga.
Ông Falih cho biết về dài hạn, Ả-rập Saudi lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu dầu sang Mỹ. "Mỹ luôn là thị trường chủ chốt đối với chúng tôi, về dài hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục và tăng cường xuất khẩu dầu sang Mỹ".
Trong khi đó, nguồn cung dầu thô Mỹ tăng 5,8% tương đương 800.000 thùng/ngày. Dữ liệu từ Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes công bố hôm thứ Sáu cho thấy số lượng giàn khoan Mỹ tuần trước tiếp tục tăng 8 giàn lên 741 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã tăng hơn 10% kể từ giữa năm 2016, phá vỡ nỗ lực của OPEC trong việc giảm dầu thừa trên thị trường.
Nguồn tin: Ndh.vn