Tổng sản lượng khai thác dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh Ả-rập Xê-út tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng khai thác.
Bên cạnh việc OPEC cắt giảm sản lượng khai thác, tình trạng khủng hoảng của Venezuela lên cao cũng tác động xấu đến nguồn cung dầu thô ra thị trường. Sản lượng khai thác của Venezuela đã giảm mạnh 180.000 thùng xuống còn 890.000 thùng/ngày - mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Vào đầu năm nay, OPEC và một số quốc gia khai thác dầu thô lớn khác như Nga và Kazakhstan (OPEC+) đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác do lo ngại thị trường có thể rơi vào tình trạng dư cung. Các số liệu của hãng tin Bloomberg và số liệu từ các hãng vận tải dầu đường biển cho thấy sản lượng khai thác của Ả-rập Xê-út, nước khai thác dầu thô lớn nhất OPEC, đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ đạt 9,82 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2019, giảm 280.000 thùng/ngày so với mức khai thác thông thường. Con số cắt giảm này cao gấp đôi so với mức cam kết của nước này trong thỏa thuận của nhóm OPEC+.
Tổng sản lượng khai thác của khối OPEC trong tháng 3/2019 cũng giảm 295.000 thùng/ngày xuống còn 30,385 triệu thùng/ngày. Dữ liệu cho thấy có 11 quốc gia trong tổng số 14 quốc gia thành viên của OPEC cắt giảm thêm 30% sản lượng khai thác so với cam kết. Ngược lại, ba quốc gia còn lại gồm Nigeria, Iraq và Kazakhstan lại nâng sản lượng khai thác. Động thái Ả-rập Xê-út đẩy mạnh cắt giảm sản lượng là nhằm giữ cho tổng nguồn cung của khối OPEC ở mức thấp đúng theo thỏa thuận đã đề ra.
Trong cuộc họp của OPEC vào đầu tháng 3/2019, Nigeria, Iraq và Kazakhstan đã được đưa vào ủy ban giám sát đặc biệt để kiểm tra việc thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Số liệu cho thấy sản lượng khai thác của Nigeria đã tăng thêm 90.000 thùng lên mức 1,92 triệu thùng/ngày – mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Khalid Al-Falih khẳng định tất cả các nước khai thác dầu mỏ trong thỏa thuận OPEC+ sẽ thực hiện đúng cam kết.
Mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump liên tục gây sức ép nhằm buộc OPEC ngưng việc cắt giảm sản lượng nhằm kiềm chế đà tăng cao của giá dầu thô trong giai đoạn gần đây. Các dấu hiệu cho thấy OPEC vẫn kiên định việc giảm sản lượng khai thác bất chấp hoạt động khai thác dầu thô tại quốc gia thành viên Venezuela đang gặp nhiều khó khăn. Diễn biến này hoàn toàn ngược lại so với thời điểm năm 2018, khi OPEC gia tăng sản lượng khai thác dưới áp lực của Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến sự gia tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường kết hợp với sự bùng nổ hoạt động khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ đã đẩy giá dầu thô giảm mạnh trong nửa cuối năm 2018.
Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã đẩy giá dầu thô tăng cao trong quý I/2019, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã tăng 29%, giá dầu thô Brent đã tăng 25% và giá xăng dầu tại Hoa Kỳ đã tăng 26%. Đây là mức tăng giá cao nhất của giá dầu thô kể từ năm 2002.
Nguồn tin: tapchicongthuong.vn