Đại dịch Covid-19 đã đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên khai thác dầu và khí đốt của Đông Nam Á, đẩy sản lượng của khu vực này vào năm 2021 xuống dưới 5 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày (boepd) lần đầu tiên kể từ năm 1998, một ngưỡng mà cho thấy sẽ không có khả năng phục hồi trở lại một lần nữa trong tương lai bất chấp các dự án mới sẽ khởi động trong những năm tới, một phân tích của Rystad Energy cho thấy.
Sản lượng hydrocacbon trung bình hàng ngày giảm xuống 4,86 triệu boepd vào năm 2021, từ 5,06 triệu boepd vào năm 2020 và giảm mạnh 12% so với khối lượng 5,5 triệu boepd trước đại dịch vào năm 2019, dữ liệu của Rystad Energy cho thấy.
Các công ty khai thác đã phải vật lộn để lấy lại mức sản lượng bị mất do đại dịch gây ra khi các hãng khai thác giảm mức độ hoạt động trong bối cảnh thị trường dầu bị gián đoạn chưa từng có. Sự suy giảm được dự báo sẽ tiếp tục cho đến giữa thập kỷ. Mặc dù khối lượng sẽ vẫn ổn định vào năm 2022, nhưng sản lượng sẽ giảm thêm 10% vào năm 2025, xuống còn khoảng 4,3 triệu boepd so với mức hiện tại.
“Sản lượng dầu ở Đông Nam Á đã suy giảm trong gần 20 năm do thiếu các phát hiện và phê duyệt dự án trong khu vực. Mặc dù các biện pháp khuyến khích mới của chính phủ có thể giúp ích, nhưng khu vực này có vẻ sẽ bị sụt giảm sản lượng trong tương lai”, Prateek Pandey, phó chủ tịch lĩnh vực thăm dò và khai thác cho biết.
Ngược lại, sản lượng khí đốt tự nhiên trong khu vực vẫn ổn định từ năm 2009 đến năm 2019, ở mức khoảng 20,8 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcfd). Bất chấp kỳ vọng về sự gia tăng doanh số khí đốt, ngược với mức giảm 8% sản lượng vào năm 2020, khối lượng dự kiến sẽ giảm khoảng 2% trong năm nay so với năm 2020, ở mức khoảng 19 Bcfd. Điều này chủ yếu là do sản lượng sụt giảm tại các dự án lâu năm bao gồm Mahakam, MLNG Dua và MLNG Satu PSCs, Yetagun.
Tỷ trọng khối lượng từ các dự án đang được triển khai và những phát hiện thương mại hiện có là đáng kể và phản ánh việc thực hiện kịp thời các dự án của khu vực. Một số dự án đã được đưa vào hoạt động thành công vào năm 2021, bao gồm mỏ Rotan rất được mong đợi, sử dụng PFLNG Dua, bắt đầu vào tháng 3, đưa Petronas trở thành hãng khai thác duy nhất trên toàn cầu sản xuất LNG từ hai cơ sở nổi. Tại Indonesia, Eni đã hoàn thành việc triển khai kịp thời, khi mỏ Merakes đạt được sản lượng khí đốt đầu tiên vào tháng 4 năm 2021.
Tuy nhiên, bất chấp những thành công này, Đông Nam Á vẫn bị cản trở bởi sự chậm trễ và các dự án bị đình trệ. Tại Indonesia, việc phục hồi sản xuất khí đốt tiếp tục bị trì hoãn sau khi việc triển hai dự án quan trọng - Tangguh LNG T3 và Jambaran Tiung-Biru Unitisation (JTB) - bị hoãn lại cho đến năm 2022.
Những mục tiêu trong tương lai
Đối với hầu hết khu vực Đông Nam Á, hơn 60% sản lượng đến từ các khu đất lâu năm- những giếng dầu đóng góp hơn 50% tài nguyên của khu vưc này. Sản lượng từ nhưng nơi như vậy có thể sẽ giảm liên tục trong vài năm tới, với ước tính 60% sản lượng vào năm 2030 có thể đến từ các dự án hiện đang ở giai đoạn trước khi có quyết định đầu tư cuối cùng (FID). Do đó, động lực đằng sau triển vọng thăm dò và khai thác của khu vực này sẽ là việc phê duyệt cho khai thác mới.
Năm 2020 là một năm ác mộng đối với hoạt động phê duyệt dự án trong khu vực, khi chỉ có khoảng 300 triệu thùng dầu tương đương (boe) từ sáu mỏ dầu đạt được FID. Khi các hãng khai thác cố gắng tiến tới năm 2021, khu vực này đã chứng kiến hơn mười dự án nhận được FID, với trữ lượng khoảng 750 triệu boe và khoảng 3 tỷ đô la đầu tư GI (tức là đầu tư mới. Đây chính là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, cty mẹ lập ra cty con ở một quốc gia khác và xây dựng hoạt động của mình từ con số 0), trong đó Malaysia chiếm 85% tổng số.
Các hoạt động cấp phép vào năm 2022 có thể sẽ vẫn ở mức tương tự, với các FID dự kiến cho khoảng 800 triệu boe trữ lượng trong khu vực, trong đó 60% là ở Indonesia và hơn 35% ở Malaysia. Các dự án được vận hành bởi các ông lớn và cty dầu khí quốc gia (NOC) có khả năng chiếm ưu thế ở Malaysia, trong khi các công ty trong khu vực và các công ty E&P sẽ chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của Indonesia.
Tuy nhiên, các dự án FID được lên kế hoạch vào năm 2022 vẫn có thể gặp thách thức trong việc có được phê duyệt cuối cùng. Quy định về giá khí đốt trong nước của Indonesia vẫn là mối quan tâm đối với hầu hết việc triển khai khí đốt lớn trong đường ống. Mặc dù các biện pháp khuyến khích đang được thảo luận cho các khu vực như Kasuri, nó vẫn là một trong những yếu tố có thể làm trì hoãn tiến độ hơn nữa. Việc triển khai theo kế hoạch từ các hợp đồng chia sẻ sản xuất (PSC) khi hợp đồng hiện tại hết hạn trong thời gian tới cũng gặp rủi ro, trừ khi chính phủ nước sở tại tiến hành thảo luận sớm về khả năng gia hạn.
Đông Nam Á khó có khả năng chứng kiến sự tăng chi tiêu đáng kể vào năm 2022, với các khoản đầu tư dự kiến nằm trong khoảng từ 15 tỷ đến 20 tỷ USD trong cả năm tới. Các khoản đầu tư có thể sẽ được thúc đẩy bởi hoạt động khoan gia tăng tại Indonesia và Thái Lan, khi các NOC nắm quyền và tập trung vào các khu vực khai thác hàng đầu.
Khoảng 360 triệu boe đã được phát hiện tại tám giếng dầu tính đến tháng 11 năm 2021, vượt 40% so với khối lượng năm 2020. Khoảng 78% tổng tài nguyên được phát hiện trong năm nay ở Đông Nam Á là khí đốt hoặc khí ngưng tụ, trong khi phần còn lại là dầu mỏ. Khoảng 84% đến từ các vùng nước nông, với khoảng 86% tại các vùng đất do NOC vận hành. Phù hợp với xu hướng này, hơn 90% khối lượng trong khu vực vào năm 2021 đã được phát hiện là ở hệ tầng Miocen-Clastic.
Nguồn tin: Rystad Energy
© Bản tiếng Việt của xangdau.net