Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sản lượng dầu OPEC ở mức thấp nhất trong 4 năm do Saudi cắt giảm, Venezuela mất điện

 

Một khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC giảm xuống mức thấp nhất 4 năm trong tháng 3/2019, do nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia cắt giảm sản lượng nhiều hơn phần phân bổ trong thỏa thuận OPEC, trong khi sản lượng của Venezuela giảm tiếp do các lệnh trừng phạt và mất điện.

14 nước thành viên OPEC đã sản xuất 30,4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 3/2019, giảm 280.000 thùng/ngày so với tháng 2/2019 và thấp nhất kể từ năm 2015.

Khảo sát này cho thấy Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh của họ cắt giảm thậm chí nhiều hơn so với thỏa thuận mới nhất của OPEC, không để ý tới áp lực tăng sản lượng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong ngày 28/3/2019, Tổng thống Trump một lần nữa kêu gọi OPEC bơm thêm dầu để giảm giá.

Dầu thô đang giao dịch gần mức cao nhất trong năm 2019 được hỗ trợ bởi động thái của Saudi Arabia và việc cắt giảm sản lượng bất ngờ tại Venezuela và Iran, cả hai nước chịu các lệnh trừng phạt hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Tamas Varga thuộc công ty môi giới PVM cho biết “ý chí này sẽ đưa dự trữ dầu toàn cầu giảm”. “Trừ phi sản lượng của OPEC bất ngờ tăng hay các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ vỡ hoàn đoàn, các nhà đầu tư tài chính sẽ thấy dầu hấp dẫn để đổ thêm tiền vào”.

OPEC, Nga và các thành viên bên ngoài - được gọi là OPEC+ - hồi tháng 12/2018 đã đồng ý giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2019. Trong đó OPEC cắt giảm 800.000 thùng/ngày được phân bổ cho 11 thành viên ngoại trừ Iran, Libya và Venezuela.

Trong tháng 3/2019, 11 thành viên OPEC tuân theo thỏa thuận mới đã đạt được 135% mức cắt giảm đã cam kết, tăng từ 101% trong tháng 2/2019 và là mức tuân thủ cao nhất của OPEC.

Trong số các nhà sản xuất được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm, sản lượng của Venezuela giảm 150.000 thùng/ngày do mất điện ảnh hưởng tới xuất khẩu, ngoài ra tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ với công ty dầu nhà nước PDVSA và sự sụt giảm sản lượng trong dài hạn.

Thỏa thuận mới nhất của OPEC+ diễn ra chỉ vài tháng sau khi tổ chức này đồng ý bơm thêm dầu (trở lại nới lỏng hiệp ước hạn chế nguồn cung ban đầu có hiệu lực trong năm 2017).

Sự sụt giảm nguồn cung lớn nhất là từ Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất của OPEC, đã bơm ít hơn 220.000 thùng/ngày so với tháng 2/2019.

Saudi Arabia đã giảm sản lượng từ mức kỷ lục 11 triệu thùng/ngày đạt được hồi tháng 11/2018 do lo ngại khả năng dư thừa, mặc dù khảo sát này cho thấy nguồn cung giảm ít hơn so với số liệu của vương quốc này.

Quốc gia có sản lượng giảm thứ hai là Venezuela. Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt với công ty dầu nhà nước PDVSA trong tháng 1/2019, trong khi mất điện đã dừng hoạt động tại Jose kho cảng xuất khẩu dầu chính của nước này và tại các nhà máy nâng cấp dầu thô.

Một số nguồn tin trong khảo sát cho thấy sản lượng của Venezuela trong tháng 3/2019 ở mức thấp 650.000 thùng/ngày. Sản lượng tại Venezuela, từng là một trong 3 nhà sản xuất hàng đầu của OPEC, đang sụt giảm trong nhiều năm do kinh tế suy giảm.

Khảo sát cho thấy sản lượng của Kuwait và UAE cũng giảm lớn hơn so với yêu cầu trong thỏa thuận OPEC, trong khi Iraq một quốc gia chậm trễ trong việc tuân thủ của đợt cắt giảm mới nhất này, đã giảm sản lượng do xuất khẩu từ miền nam của nước này giảm.

Quốc gia tăng sản lượng mạnh nhất trong OPEC là Libya do mỏ dầu lớn nhất nước này El Sharara khởi động chở lại.

Trong số các quốc gia OPEC theo hiệp ước sản lượng, Nigeria đã sản xuất dư thừa với khối lượng lớn nhất. Việc khởi động mỏ Egina của Total giúp thúc đẩy sản lượng. Nigeria cho biết mỏ Egina sản xuất khí ngưng tụ, một loại dầu cực nhẹ được loại trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm của OPEC.

Các nhà sản xuất nhỏ hơn Congo, Ecuador, Equatorial Guinea và Gabon cũng sản xuất cao hơn mục tiêu của họ.

Sản lượng của OPEC trong tháng 3/2019 là thấp nhất kể từ tháng 2/2015, không bao gồm sự thay đổi các thành viên kể từ đó.

Khảo sát của Reuters nhằm theo dõi nguồn cung ra thị trường và dựa vào số liệu xuất khẩu được cung cấp bởi các nguồn bên ngoài, số liệu của Refinitiv Eikon và thông tin cung cấp bởi các công ty dầu mỏ, OPEC và công ty tư vấn.

Nguồn tin: vinanet.vn

ĐỌC THÊM