Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sản lượng dầu ở Biển Bắc có thể giảm 80% vào năm 2030

Theo cơ quan quản lý ngành năng lượng của Anh (Offshore Energies UK - OEUK), các khoản đầu tư vào Biển Bắc đã giảm đáng kể. Điều này có thể dẫn đến sản lượng dầu thấp hơn nhiều vào cuối thập kỷ này trừ khi chính phủ có thể thu hút đầu tư lớn hơn vào lĩnh vực này. Trong khi các nhóm hoạt động môi trường ca ngợi sự sụt giảm kinh phí thì các chuyên gia năng lượng lo ngại về việc điều này có ảnh hưởng gì đối với an ninh năng lượng của Vương quốc Anh, với một số cho rằng nước này có thể phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Offshore Energies nhận thấy rằng 90% các công ty nước ngoài đã giảm chi tiêu ở Biển Bắc, tổng cộng lên tới hàng tỷ đô la. OEUK xác định với mức đầu tư thấp hơn có thể dẫn đến sản lượng giảm 80% vào năm 2030, tương đương với ít hơn 500 triệu thùng dầu nếu chính phủ không thể thu hút thêm vốn đầu tư cho khai thác dầu ngoài khơi. Điều này có thể khiến Vương quốc Anh phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên.

Việc đưa ra thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu quan tâm đối với vùng biển của Anh. Chính phủ đã áp dụng loại thuế này vào năm ngoái khi các công ty năng lượng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục khi giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Điều này phần lớn là để đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung và lệnh trừng phạt khí đốt của Nga. Thuế đánh vào các công ty tăng từ 40 phần trăm lên 75 phần trăm, mặc dù một số công ty vẫn báo lãi. BP thông đạt mức lợi nhuận kỷ lục 22,7 tỷ đô la vào năm 2022. Tuy nhiên, nhiều công ty tin rằng chi phí có thể thấp hơn nếu đầu tư vào hoạt động dầu khí ở các quốc gia có mức thuế thấp hơn đáng kể. Những công ty khác đã chuyển đầu tư sang các hoạt động khai thác dầu 'cacbon thấp' mới, nhằm tránh xa các khu vực sản xuất dầu truyền thống. Những lý do khác dẫn đến việc cắt giảm đầu tư bao gồm mức độ lạm phát cao, chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ và thiếu khả năng tiếp cận tài chính.

Một số nhóm môi trường đang đề xuất các khoản đầu tư dành cho Biển Bắc có thể được sử dụng tốt hơn trong các dự án năng lượng tái tạo. Điều này sẽ giúp Vương quốc Anh đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh bằng cách cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành coi nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng một vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng trung hạn của Vương quốc Anh. Ross Dornan từ Offshore Energies cho biết: “Vào giữa những năm 2030, theo Ủy ban Biến đổi Khí hậu, dầu và khí đốt sẽ vẫn đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng của chúng ta.” Do đó, "Chúng ta nên đặt mục tiêu khai thác càng nhiều càng tốt năng lượng đó từ các nguồn tài nguyên của chính mình – tức là Biển Bắc," Dornan giải thích. Dornan nhấn mạnh sự cần thiết của Vương quốc Anh trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này hoặc sẽ trở nên phụ thuộc vào các quốc gia khác cho nguồn cung dầu.

Đầu năm nay, Amjad Bseisu, Giám đốc điều hành của công ty Biển Bắc EnQuest, tuyên bố Anh không ổn định về tài chính, điều này đã khiến chính phủ sa vào “chủ nghĩa ngắn hạn” bằng cách đưa ra các loại thuế lợi tức phụ thu cho ngành dầu khí nước này. Phản ứng với việc tăng thuế, Bseisu nói rằng châu Á đã trở thành khu vực tăng trưởng lớn nhất của công ty, thay vì Vương quốc Anh hay châu Âu. Mặc dù thuế lợi tức phụ thu nhằm ứng phó với hóa đơn năng lượng tiêu dùng ngày càng tăng và lợi nhuận từ dầu khí cao trong năm 2022, nhưng nó dự kiến sẽ duy trì ở mức tăng cho đến năm 2028, điều này có thể ngăn các công ty năng lượng đầu tư thêm vào hoạt động dầu khí của Anh.

Bseisu và các nhà lãnh đạo khác trong ngành tin rằng điều quan trọng đối với Anh là làm cho Biển Bắc trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và duy trì các hoạt động dầu khí để mang lại doanh thu cần thiết để tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh. Nếu không có tiền từ dầu khí, chính phủ có thể không có nguồn vốn cần thiết để đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và các công nghệ liên quan. Hơn nữa, Anh có thể cần phải chi nhiều hơn cho việc nhập khẩu dầu và khí đốt nếu sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.

Các quốc gia khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ, đã tránh áp thuế lợi tức phụ thu, thay vào đó tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất nội địa để đảm bảo an ninh năng lượng. Doanh thu từ ngành dầu mỏ dự kiến sẽ hỗ trợ triển khai chính sách khí hậu đầy tham vọng năm 2022 của Tổng thống Biden, Đạo luật Giảm lạm phát. Mục đích chung là thúc đẩy phát triển năng lực năng lượng xanh của Hoa Kỳ đồng thời khử cacbon thông qua công nghệ thu hồi và lưu trữ cacbon và các kế hoạch khác sẽ giúp quốc gia này tiếp tục sản xuất dầu và khí đốt khi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, điều này cũng bị chỉ trích, vì nhiều nhóm môi trường tin rằng Biden đang hỗ trợ quá nhiều cho ngành dầu khí, đi ngược lại với các cam kết về khí hậu của ông.

Các quốc gia trên toàn cầu dường như đang gặp khó khăn trong việc quản lý an ninh năng lượng, cần phải cắt giảm chi phí, rời bỏ dầu mỏ và khí đốt, đồng thời tăng cường sản xuất năng lượng xanh. Thuế lợi tức phụ thu của Anh được cho là nguyên nhân cản trở đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động dầu khí ở Biển Bắc, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh năng lượng của đất nước. Nhưng đồng thời, các tổ chức môi trường đang cho rằng số tiền này có thể được sử dụng tốt hơn trong các dự án năng lượng tái tạo. Và các cách tiếp cận khác, chẳng hạn như việc Tổng thống Biden ủng hộ sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước, cũng bị chỉ trích tương tự. Vì vậy, có vẻ như việc đạt được sự cân bằng hợp lý giữa sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong trung hạn để đảm bảo an ninh năng lượng và quá trình chuyển đổi xanh dài hạn phức tạp hơn kỳ vọng ban đầu.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM