Sản lượng dầu thô của OPEC trượt giảm tháng thứ tư liên tiếp do Saudi Arabia tiếp tục kiềm chế sản lượng nhằm cân bằng thị trường toàn cầu, cũng như một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela leo thang.
Bất chấp áp lực duy trì nguồn cung cấp dầu tiếp tục chảy và hạn chế giá cả tăng cao từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Saudi và các thành viên khác của liên minh vẫn quyết tâm giới hạn sản xuất để tránh tình trạng dư thừa.
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg với các quan chức, nhà phân tích và dữ liệu theo dõi tàu chở dầu, vương quốc này đã cắt giảm sản lượng xuống mức thấp nhất 4 năm là 9,82 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3. Sản lượng từ 14 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã giảm 295.000 thùng mỗi ngày xuống còn 30,385 triệu thùng/ngày.
Saudi và các nhà sản xuất vùng Vịnh khác tiếp tục kiềm chế sản lượng ngay cả khi những rắc rối gia tăng ở quốc gia thành viên OPEC là Venezuela, nơi suy thoái tài chính tăng vọt - và các lệnh trừng phạt của Mỹ - đang vùi dập ngành công nghiệp dầu mỏ nước này.
Vào đầu năm, nhóm và các đồng minh - bao gồm cả những người không phải là thành viên như Nga và Kazakhstan - đã bắt đầu một đợt cắt giảm sản lượng mới khi cơn lũ dầu đá phiến Mỹ và nhu cầu dầu mỏ yếu ớt trên toàn cầu đe dọa đưa các thị trường thế giới chuyển sang thặng dư.
Sự kiềm chế của họ đã khiến nguồn cung bị thắt chặt, đẩy giá dầu thô tăng tăng 32% ở New York trong quý đầu tiên, sự khởi đầu một năm mạnh mẽ nhất của hàng hóa này kể từ năm 2002.
Điều đó đã thu hút những lời chỉ trích mới từ Tổng thống Trump vào cuối tháng trước. Ông đã lên Twitter lần thứ hai trong năm nay để kêu gọi OPEC đảo ngược chính sách cắt giảm sản xuất. Nhóm đã bỏ qua các lời kêu gọi của ông.
Dữ liệu tháng 3 chỉ ra rằng 11 thành viên OPEC tham gia vào hiệp định đã cắt giảm sản lượng cao hơn khoảng 30% so với yêu cầu giới hạn.
Tuy nhiên, nỗ lực bổ sung gần như hoàn toàn đến từ Saudi Arabia, thành viên lớn nhất của nhóm, đã giảm sản lượng thêm 280.000 thùng mỗi ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2015. Vương quốc này đã cắt giảm sản lượng hơn gấp đôi số lượng cam kết theo hiệp định tháng 12.
Cam kết của Saudi Arabia đang bù đắp cho sự chậm trễ tuân thủ của một số thành viên, đặc biệt là Nigeria, nơi đang thúc đẩy xuất khẩu khi nước này tăng cường hoạt động tại một mỏ dầu mới, Egina.
Tại một cuộc họp của OPEC và các đồng minh của mình ở thủ đô Baku của Azerbaijan vào tháng trước, Nigeria - cùng với các nhà sản xuất khác là Iraq và Kazakhstan - đã được đưa vào ủy ban giám sát việc thực hiện thỏa thuận. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Khalid Al-Falih cho biết ông đã được đảm bảo rằng tất cả các nhà sản xuất trong thỏa thuận sẽ thực hiện lời hứa của họ.
Tuy nhiên, dữ liệu tháng 3 cho thấy Nigeria vẫn chưa điều chỉnh cho phù hợp: quốc gia châu Phi này đã tăng sản lượng một lần nữa, lần này thêm 90.000 thùng mỗi ngày lên mức cao nhất trong ba năm là 1,92 triệu mỗi ngày.
Sự không tuân thủ của Nigeria và Iraq đang được bù đắp nhiều hơn bởi Venezuela, vốn được miễn trừ khỏi hiệp ước tự nguyện giảm nguồn cung vì các khoản sụt giảm ngoài dự kiến khổng lồ của họ.
Sản lượng tại quốc gia Mỹ Latinh, nơi bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện trên diện rộng vào tháng trước và phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với doanh số bán dầu của họ, đã giảm thêm 180.000 thùng mỗi ngày xuống còn 890.000 mỗi ngày. Đó là mức thấp nhất kể từ khi sản xuất về cơ bản bị tê liệt bởi một cuộc đình công lao động hồi năm 2003.
Nguồn: xangdau.net