Sản lượng dầu của Nga đã giảm kể từ khi xâm lược Ukraine. Các nhà sản xuất dầu thô của Nga đang phải vật lộn để đưa tất cả dầu của mình ra thị trường - đặc biệt là thị trường châu Âu - và lượng dầu đầu vào của nhà máy lọc dầu trong nước cũng đang giảm do nhu cầu thấp hơn. Mặc dù vậy, giá dầu và khí đốt tăng đã dẫn đến nguồn thu cao kỷ lục cho Nga.
Công ty sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Rosneft, cũng là hãng thua lỗ nhiều nhất do sản lượng khai thác dầu sụt giảm khi gặp khó khăn với việc bán toàn bộ dầu ra nước ngoài và tăng cường lọc dầu thô trong nước, theo dữ liệu ngành và dữ liệu từ Bộ Năng lượng Nga được Bloomberg tính toán.
Rosneft – được lãnh đạo bởi đồng minh lâu năm của Vladimir Putin, Igor Sechin - đang phải gánh chịu thiệt hại từ xuất khẩu thấp hơn kết hợp với công suất lọc dầu trong nước giảm và sự rời đi của các công ty dầu mỏ phương Tây khỏi các dự án chung ở Nga sau khi Putin xâm lược Ukraine.
Nga tuyên bố đã bắt đầu khôi phục sản lượng bị mất trong hai tháng qua và đang tìm kiếm một thị trường mới cho dầu của mình ngoài châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sản lượng dầu của Nga có thể mất 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022 và sản lượng của nước này dự kiến sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều năm bởi các lệnh trừng phạt mà thị trường lớn nhất của nước này là Châu Âu đang áp đặt. Các nhà phân tích cho biết một số giếng dầu đã ngừng hoạt động kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2 có thể không bao giờ quay trở lại sản xuất dầu được nữa, làm mất đi vĩnh viễn một số công suất sản xuất dự phòng của Nga.
Vào giữa tháng Năm, sản lượng dầu của Nga thấp hơn 830.000 thùng/ngày so với tháng Hai. Rosneft chiếm tới 560.000 thùng/ngày trong sự sụt giảm này, dữ liệu từ Bộ năng lượng do Bloomberg tổng hợp và tính toán cho thấy.
Hơn nữa, tỷ lệ các giếng không hoạt động của Rosneft đã tăng từ 17% trong tổng số giếng vào đầu năm lên tới 30% vào tháng Tư. Các giếng không hoạt động tại đơn vị Bashneft của Rosneft chiếm 55% tổng số giếng Bashneft vào tháng 4, theo dữ liệu ngành mà Bloomberg đã nhìn thấy.
Khối lượng dầu thô đầu vào nhà máy lọc dầu của Rosneft cũng giảm - ước tính khoảng 28% vào đầu tháng 5 so với trước chiến tranh ở Ukraine.
Daria Melnik, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy, nói với Bloomberg: “Yếu tố chính thúc đẩy xu hướng sản xuất của các công ty Nga là khả năng bán dầu xuất khẩu và tăng cường lọc dầu trong nước”.
Tiếp theo đó là dự án Sakhalin-1mà Exxon đã quyết định bỏ dở trong những ngày đầu của cuộc xâm lược và Rosneft là một đối tác trong dự án này. Sản lượng tại Sakhalin-1 đã giảm 71% so với mức trước chiến tranh, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Rosneft đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua các lô hàng chứa hàng triệu thùng dầu thô giao ngay, vì châu Âu xa lánh dầu của Nga trong khi Trung Quốc và Ấn Độ không đủ sức để tiêu thụ tất cả lượng dầu bị tẩy chay ở phương Tây.
Sản lượng dầu thô của Nga ước tính đã giảm gần 9% trong tháng 4, xuống mức trung bình 9,16 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1 triệu thùng so với hạn ngạch của nước này theo thỏa thuận OPEC+.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính Nga đã mất gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng Tư.
IEA cho biết: “Sau khi nguồn cung sụt giảm gần 1 triệu thùng/ngày vào tháng 4, mức giảm có thể tăng lên khoảng 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm”.
Cho đến nay, xuất khẩu dầu của Nga phần lớn vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, kể từ ngày 15 tháng 5, các công ty thương mại quốc tế lớn đã phải tạm dừng tất cả các giao dịch với Rosneft, Gazprom Neft và Transneft do nhà nước kiểm soát theo lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.
Điều đó thậm chí còn chưa tính đến ảnh hưởng của lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga. Các tín hiệu đang xuất hiện rằng sau nhiều tuần đàm phán, EU có thể gần đạt được một thỏa hiệp nào đó với Hungary về việc áp đặt lệnh cấm.
Về phần mình, Nga cho biết đã tăng sản lượng dầu trong tháng 5 thêm 200.000-300.000 thùng/ngày sau khi sụt giảm lớn về sản lượng và công suất lọc dầu vào tháng 4, đồng thời bác bỏ mọi ý kiến cho rằng có một cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp dầu mỏ nước này.
“Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các công ty dầu khí của mình và không nhận thấy bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào cho thấy ngành công nghiệp của chúng tôi đang ở trong một cuộc khủng hoảng nào đó”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết qua hãng thông tấn TASS.
“Đúng vậy, chúng tôi đã nhận được một cú sốc nhất định mà cho phép chúng tôi tìm ra điểm cân bằng mới và tham gia vào các cơ hội xuất khẩu mới, bao gồm chuyển hướng các nguồn năng lượng sang các thị trường mới, tạo ra chuỗi cung ứng mới”, ông Novak cho biết thêm.
Nga đang tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ thị trường châu Á có thể hấp thụ hết 4 triệu thùng/ngày dầu mà Nga đã đưa sang châu Âu trước chiến tranh.
“Việc tập trung xuất khẩu sang châu Á sẽ mất thời gian và các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mà trong trung hạn sẽ chứng kiến sản lượng và doanh thu của Nga giảm mạnh”, Melnik của Rystad Energy cho biết vào đầu tháng này.
Rystad Energy lưu ý, sản lượng dầu thô có thể bắt đầu phục hồi vào giữa năm 2023 nếu nền kinh tế Nga có thể vượt qua các lệnh trừng phạt và tạo ra thêm nhu cầu dầu trong nước.
Công ty theo dõi năng lượng cho biết: “Tuy nhiên, nhiều giếng ngừng hoạt động có thể không hoạt động trở lại, đồng nghĩa với việc một số công suất dự phòng của Nga sẽ bị phá hủy”.
Nguồn tin: xangdau.net