Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sai lầm của Biden có thể đẩy giá dầu lên 100 USD

 

Khi Tổng thống Biden tuyên bố hồi đầu tuần trước rằng chính phủ liên bang sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR), có lẽ những người thân cận với ông nghĩ rằng ​​giá sẽ rớt đáng kể và sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, giá lại tăng và OPEC+ báo hiệu có thể cắt giảm nguồn cung. Đến thứ Sáu, giá dầu lao dốc mạnh, nhưng đó là do lo ngại về một làn sóng dịch Covid-19 mới và chẳng liên quan gì đến thông báo của Biden rằng dầu sẽ được xả khỏi kho dự trữ khẩn cấp.

Nhưng điều gì xảy ra tiếp theo có thể khiến giá dầu tăng lên 100 đô la.

Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo rằng việc giải phóng SPR có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Họ lý giải rằng mặc dù Hoa Kỳ hay các đồng minh của họ ở châu Á và vương quốc Anh xả kho, nhưng OPEC có thể giữ lại nhiều dầu hơn và trong thời gian dài hơn. Vì dầu thô trong SPR là dầu chua và các nhà máy lọc dầu không ưa thích loại dầu này vì nó cần phải được xử lý thêm để giảm bớt hàm lượng lưu huỳnh — một quy trình đòi hỏi khí tự nhiên, loại nhiên liệu hiện cũng rất đắt đỏ. Nhưng không ai để tâm tới những lời giải thích này. Và giờ dây, các nhà phân tích đang cảnh báo về giá dầu Brent 100 USD.

Stephen Schork, biên tập viên của Schork Report, nói với CNBC vào đầu tuần trước: “Nó sẽ không mang lại hiệu quả, đơn giản vì kho dự trữ xăng dầu chiến lược của bất kỳ quốc gia nào không phải được dùng để cố gắng thao túng giá”. Ông nói thêm: “Có một số lượng đáng kể đặt cược giá sẽ lên 100 đô la một thùng”.

John Kilduff của Again Capital còn thẳng thắn hơn: "Các chiến tuyến đang được vạch ra," ông nói với Bloomberg. "Chắc chắn, OPEC và Ả Rập Xê Út có thể giành được chiến thắng này vì họ đang nắm giữ tất cả các quân bài. Họ có thể giữ không cho dầu ra thị trường nhiều hơn so với lượng dầu được giải phóng từ SPR ra thị trường. Nếu bạn thấy WTI xuống dưới 70 đô la, thì tôi sẽ nghĩ là sẽ có một sự phản hồi từ OPEC+”.

Hơn nữa, kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng này sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Nó cũng sẽ không xảy ra trong hơn một tuần. Trên thực tế, theo một bản tin của Argus, kế hoạch này là để cung cấp khoản vay dài hạn lên tới 32 triệu thùng dầu thô từ SPR - dầu chua, tại thời điểm đó - và bán thêm 18 triệu thùng nữa trong vài tháng. Trước hết, không có gì đảm bảo về mức độ đón nhận các khoản vay dầu. Thứ hai, 18 triệu thùng trong một vài tháng tương đương chưa tới 1 triệu thùng trung bình mỗi ngày.

Trong khi đó, OPEC đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất liên quan đến việc giải phóng tổng cộng 66 triệu thùng vào tháng Một và tháng Hai. Bản thân OPEC dường như nhận thức được rằng khả năng xảy ra tình trạng ngập ngụa dầu là không tồn tại, với kế hoạch của Mỹ, nhưng điều quan trọng là họ đang chuẩn bị. Và, theo các nguồn tin OPEC nói với Argus, trong khi hầu hết các thành viên trong nhóm OPEC+ đều cảm thấy họ không cần phải điều chỉnh thỏa thuận ban đầu về việc bổ sung 400.000 thùng vào sản lượng hàng ngày, thì có một quy định cho phép tạm dừng ba tháng với những bổ sung này.

Riêng OPEC đã chiếm 40% sản lượng dầu thô toàn cầu. Hoa Kỳ - nhà sản xuất độc lập lớn nhất thế giới - chiếm khoảng 18,6%. Và tiếp theo là Nga, với khoảng 12% nguồn cung dầu toàn cầu, là đối tác của OPEC. Vì vậy, cộng lại, OPEC và Nga, thậm chí không tính các nhà sản xuất Trung Á, cũng chiếm một nửa sản lượng dầu của thế giới. Quả thật, họ đang nắm giữ tất cả các quân bài.

CNBC lưu ý trong một bản tin gần đây, giá dầu đã tăng khoảng 50% kể từ đầu năm khi nhu cầu phục hồi nhanh và mạnh hơn nhiều so với dự đoán của bất kỳ ai, trong khi nguồn cung vẫn eo hẹp khi ngành này theo dõi làn sóng đại dịch mới một cách thận trọng.

Cuối tuần trước, giá đã giảm đáng kể khi xuất hiện tin tức về một biến thể mới của virus corona được phát hiện ở Nam Phi, nhưng không chắc liệu tin tức này sẽ có ảnh hưởng lâu dài.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã lên án OPEC vì điều mà người đứng đầu cơ quan này, Fatih Birol, gọi là "sự thắt chặt giả tạo".

"Một yếu tố mà tôi muốn nhấn mạnh là nguyên nhân gây ra những mức giá cao này là do quan điểm của một số nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn, và theo quan điểm của chúng tôi, một số quốc gia đã không coi trọng quan điểm giúp ích trong bối cảnh này", Birol phát biểu vào tuần trước, được CNBC dẫn lời.

"Quả thực, một số căng thẳng chính trên thị trường hiện nay có thể được coi là sự thắt chặt giả tạo ... bởi vì, chúng ta thấy gần 6 triệu thùng/ngày công suất sản xuất dự phòng thuộc về các nhà sản xuất chủ chốt, các nước OPEC+", Birol cho biết thêm.

IEA được thành lập như một cơ quan giám sát thị trường dầu mỏ với mục đích tránh lặp lại tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng xảy ra với phương Tây sau khi phần lớn Trung Đông áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các đồng minh của Israel. Tuy nhiên, kể từ đó, đặc biệt là trong những năm gần đây, cơ quan này ngày càng tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đầu năm nay đã kêu gọi ngưng tất cả các khoản đầu tư vào dầu mới, nhưng chỉ vài tháng sau đó lại thúc giục các nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn vào sản xuất mới.

OPEC+ cho đến nay vẫn phản đối mọi lời kêu gọi sản xuất nhiều dầu hơn. Liên mình này đã phát tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ làm những gì mà nhóm quyết định và sẽ không bảo vệ lợi ích của bất kỳ ai khác. Ngay bây giờ, OPEC+ đang quan tâm đến giá dầu cao hơn. Nhóm dường như lo lắng về sự bùng phát dịch Covid nhiều hơn và đã xem nguy cơ này như một hạn chế đối với nhu cầu nhằm biện minh cho việc thúc đẩy sản xuất vừa phải của mình. Bây giờ, bên cạnh nỗi lo đó, họ còn phải đối mặt với 50 triệu thùng dầu thô của Mỹ. Cuộc họp OPEC+ sắp tới có thể mang đến một bất ngờ khó chịu cho các nước tiêu thụ dầu lớn và sự bất ngờ này có thể đẩy giá lên cao hơn.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM