Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh Ảnh: VnMedia |
Nhằm trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến quá trình chậm giảm giá xăng, dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trao đổi với Bộ Công thương nhằm công bố phương án: áp mức thuế nhập khẩu xăng dầu tương ứng với mức biến động giá dầu thô thế giới.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, sau vài tháng khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lên 19.000 đồng một lít, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm 20 – 30%. Vào thời điểm giá xăng được tăng gần đây nhất, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lỗ. Để hòa vốn, giá xăng khi đó phải tăng 7.000 – 7.100 đồng một lít, giá diesel phải được điều chỉnh tăng 8.800 đồng một lít và thuế nhập khẩu phải bằng 0%. Tuy nhiên thực tế, mức tăng ít hơn nhiều.
Cho đến khi giá xăng dầu thế giới bắt đầu xuống, việc kinh doanh xăng dầu mới bắt đầu có lãi. Trong khi đó, Nhà nước công bố, đối với mặt hàng xăng, Nhà nước không bù lỗ nữa mà chỉ bù lỗ cho giá dầu. Vì vậy, khi việc kinh doanh bắt đầu hòa vốn và có lãi, Chính phủ đã công bố cho các doanh nghiệp được trích 1.000 tỷ đồng để bù lỗ cũ. “Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã chấp hành rất nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề kiềm chế lạm phát”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (đoàn Tây Ninh) cho rằng, trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho thấy quá trình giảm giá có một độ trễ nhất định để có thể bù lỗ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng độ trễ ấy cũng cần có một giới hạn, không để người dân phải chờ đợi mãi, gây tâm lý khó chịu về mức giá cả.
Giải trình vấn đề này, ông Vũ Văn Ninh cho biết, theo quy định Chính phủ, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có lượng dự trữ cho khoảng 20 – 30 ngày, nên mức giá trong nước phải tính theo giá thế giới vào thời điểm nhập khẩu trước đó từ 20 ngày đến 1 tháng. Do vậy, giá xăng dầu trong nước chưa thể hạ ngay theo giá thế giới.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, lãnh đạo ngành đã rút ra bài học sau đợt điều chỉnh giá vừa qua, đó là phải kiên trì nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, trong cơ chế đó, việc điều hành giá cũng được tiến hành từng bước theo thị trường, hạch toán được minh bạch và đầy đủ. Một bài học nữa đó là sự cần thiết phải có cơ chế giám sát và quản lý.
Ngoài công tác điều hành giá xăng dầu, các đại biểu tại Quốc hội còn quan tâm nhiều đến vấn đề như cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thép, việc điều hành giá cước vận tải không cùng nhịp với độ giảm giá xăng, việc vay vốn sản xuất đối với hộ nghèo, gia đình chính sách còn nhiều bất cập, việc điều tiết vốn đầu tư của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước không đồng đều.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh là thành viên thứ 3 của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn trong ngày hôm nay (11/11). Tại kỳ họp này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nhận được 27 chất vấn, tập trung vào hai nhóm vấn đề lớn: Thực hiện cơ chế giá, điều hành chính sách thuế thời gian qua; vì sao phải áp dụng một số chính sách thuế thiếu ổn định; vì sao lại hạ thuế suất nhập khẩu thịt gà, thịt gia súc trong lúc cần phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hoá xuất khẩu; vì sao giá đã lên rồi thì rất khó xuống, vai trò điều tiết của Nhà nước như thế nào, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp được ưu ái, người dân chịu thiệt thòi.
Nhóm vấn đề thứ hai là giải pháp an ninh tiền tệ, vấn đề nuôi dưỡng nguồn thu, bảo đảm thu ngân sách theo kế hoạch, cơ chế tạo nguồn cho cải cách tiền lương, thu hồi ngân sách cho vay, tạm ứng.
Phần lớn câu trả lời của Bộ trưởng Tài chính đáp ứng được thắc mắc của các đại biểu và đi ngay vào vấn đề cụ thể, không lòng vòng như một số bộ trưởng khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét, Bộ trưởng Tài chính trình bày khá khá nghiêm túc và có sự chuẩn bị khá chu đáo. Khách quan mà nói, cần phải đánh giá đúng vai trò của Bộ Tài chính vừa qua trong việc bình ổn giá cả trong điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, Bộ này vẫn còn lúng túng trong việc quản lý, điều chỉnh giá một số mặt hàng để theo sát với giá thế giới.
Ngày mai (12/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu và các Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu sẽ tiếp tục trả lời chất vấn.
(VnMedia)