Tập đoàn dầu mỏ Rosneft vừa thông báo đã phát hiện dầu thô ở phía Đông Bắc Cực, trong vùng biển Laptev thuộc Nga. Đây là phát hiện dầu thô đầu tiên ở khu vực này.
Giàn khoan Prirazlomnaya của Gazprom Neft ở Bắc Cực
Rosneft chưa đưa ra thông tin chi tiết về trữ lượng ước tính của giếng dầu ngoài khơi đầu tiên ở phía Đông Bắc Cực này, nhưng lưu ý rằng, 28 khu vực được cấp phép của họ ở trong vùng Bắc Cực thuộc Nga có tổng trữ lượng ước tính lên tới 344 tỷ tấn dầu quy đổi.
Theo thông cáo báo chí của Rosneft, từ năm 2014, khi bắt đầu công việc thăm dò tại biển Laptev, Rosneft đã xác định được 114 vị trí triển vọng có dầu mỏ và chứa khí đốt, với trữ lượng ước tính ban đầu khoảng 9,5 tỷ thùng dầu quy đổi.
Tính từ năm 2012, Rosneft đã đầu tư 1,72 tỷ USD (100 tỷ ruble) vào thăm dò dầu khí ở Bắc Cực. Từ năm nay đến năm 2021, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga có kế hoạch chi thêm 4,29 tỷ USD (250 tỷ ruble) vào thăm dò và phát triển ở khu vực giàu tiềm năng dầu khí này.
Theo dự báo của giới chuyên gia, đến năm 2050, lượng dầu mỏ khai thác được từ Bắc Cực có thể chiếm từ 20- 30% tổng sản lượng dầu thô của Nga. Tuy nhiên, vào thời điểm này, mới chỉ có một giàn khoan đang hoạt động khai thác ở vùng thềm lục địa Bắc Cực thuộc Nga, ở biển Pechora. Đó là giàn khoan Prirazlomnaya của Gazprom Neft – “cánh tay” dầu mỏ của Tập đoàn khí đốt Gazprom.
Giàn khoan Prirazlomnaya bắt đầu khai thác từ cuối năm 2013 và đến cuối tháng 11- 2015 đã đạt tổng sản lượng 1 triệu tấn, hay 7,33 triệu thùng dầu. Trữ lượng của mỏ dầu mà giàn khoan Prirazlomnaya đang làm việc ước tính là 70 triệu tấn, tương đương với 513 triệu thùng dầu, với sản lượng trung bình hằng năm là 5,5 triệu tấn (40,3 triệu thùng).
Hiện tại, phần lớn sản lượng dầu thô của Nga tập trung ở Tây Siberia, nhưng các mỏ dầu ở khu vực này đang bắt đầu cạn kiệt và chi phí sản xuất ở khu vực này cũng tốn kém hơn, do phải gánh thuế cao hơn. Chính phủ Nga đang thực hiện nhiều chính sách để khuyến khích, thậm chí gây áp lực, để buộc các công ty dầu khí của nước này mở rộng hoạt động thăm dò sang phía Bắc và phía Đông Bắc Cực, bất chấp thời tiết khắc nghiệt ở các khu vực này.
Nguồn tin: Petrotimes.vn